Số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị di tích

Ngoài công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học thì việc số hóa di tích lịch sử, di sản văn hóa còn góp phần đưa nguồn tài nguyên này trở thành sản phẩm du lịch mới lạ, mang đến những tiện lợi cho du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.

Với khoảng 200 khối đá cổ nằm rải rác trên diện tích 8 ki-lô-mét vuông, di tích lịch sử văn hóa quốc gia - bãi đá cổ Sa Pa là một kho tàng lịch sử đồ sộ và kì bí về văn hóa của người cổ xưa. Để có thể nghiên cứu chuyên sâu và tìm ra lời giải về những phiến đá này, nhà nghiên cứu sử học Phillippe, Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội cùng các cộng sự đã phải dày công nghiên cứu, sử dụng nhiều thiết bị kĩ thuật để tiến hành đo đạc, định vị và ghi hình các nét chạm khắc trên từng khối đá, từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa hệ thống thông tin về bãi đá cổ.

Số hóa hệ thống thông tin, dữ liệu cũng mang lại những tiện ích đối với du khách khi đến tham quan các khu di tích. Cùng với các bia đá ghi khắc thông tin lịch sử thì tại nhiều khu di tích ở Lào Cai sẽ được gắn các mã QR code như thế này.

Tỉnh Lào Cai có 56 di tích, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh đang từng bước thực hiện số hóa. Cùng với đó là hàng nghìn cổ vật, bảo vật cũng đang được tổng hợp dữ liệu, tạo lập các mã QR, tìm kiếm bổ sung tư liệu, chuẩn hóa thông tin để kết nối, chia sẻ.

Số hóa di tích là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích văn hóa. Tuy nhiên, để thực hiện số hóa đồng bộ và ngày càng hiện đại đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu và nguồn kinh phí trong lĩnh vực này.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Vũ Thắng - Hồng Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/so-hoa-de-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-231582.htm