Số hóa dữ liệu hộ tịch, thúc đẩy quá trình xây dựng Chính phủ điện tử
Số hóa dữ liệu hộ tịch giúp thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất, đảm bảo việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử toàn quốc, CSDL quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân. Góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký và quản lý hộ tịch, thúc đẩy quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Đổi mới đăng ký, quản lý hộ tịch tinh giản, tập trung
Bộ Tư pháp cho biết, trong bối cảnh cả nước tập trung ưu tiên thực hiện chủ trương chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, một số quy định của pháp luật hộ tịch cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, thực hiện liên thông các TTHC trên môi trường điện tử.
Theo đó, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hộ tịch; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông giải quyết các TTHC liên quan đến đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ưu tiên các giải pháp để thực hiện tốt, có hiệu quả đăng ký hộ tịch trực tuyến và liên thông các thủ TTHC trên môi trường điện tử, nghiên cứu, đề xuất đổi mới hệ thống cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tập trung. Từ đó, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân, tiết kiệm thời gian cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công thiết yếu.
Theo kế hoạch, trong năm 2022, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực triển khai dự án đầu tư công về xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm sớm đi vào vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo lãnh đạo các địa phương cho phép cập nhật, số hóa các giấy tờ bằng văn bản trong lĩnh vực này.
Đây sẽ là tiền đề để các địa phương mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, làm thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch
Tại Hà Nội, năm 2021, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 26/2/2021 triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP. Đến nay, Hà Nội có 05/30 đơn vị số hóa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử từ những năm trước, gồm: quận Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình.
Các quận, huyện tiếp tục duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Đa số yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân được giải quyết đúng hạn; trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch đáp ứng yêu cầu.
Theo GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, tháng 3/2022, Sở Tư pháp TP thực hiện thí điểm Đề án 06, Sở đã ban hành kế hoạch và chủ động xây dựng dự thảo quy trình triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Tư pháp. Trong đó, về công tác hộ tịch, Sở Tư pháp đã xây dựng 03 dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử qua Cổng dịch vụ công gửi các cơ quan liên quan để góp ý, tổng hợp, trình UBND TP ban hành.
Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và truyền thông, Văn phòng UBND TP, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và truyền thông cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công, Một cửa điện tử TP kết nối, chia sẻ thông tin với Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.
UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2022 TP tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với việc thực hiện Luật Căn cước công dân, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ; triển khai hệ thống quản lý đăng ký hộ tịch do Bộ Tư pháp chỉ đạo.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 26/02/2021 của UBND TP về triển khai thực hiện Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn TP theo hướng dẫn và lộ trình của Bộ Tư pháp và Trung ương.
UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử từ sổ giấy, chuyển đổi và chuẩn hóa dữ liệu từ các phần mềm hộ tịch, dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử đã triển khai trước đây để cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến tại các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn theo chỉ đạo, hướng dẫn đồng bộ, thống nhất về nghiệp vụ hộ tịch của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp.
Văn phòng UBND TP, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì hoàn thành kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến với hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến của TP với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp.