Số hóa hoạt động ngân hàng 'len lỏi' vào... chợ dân sinh
Thanh toán trực tuyến đang ngày càng phổ biến với đông đảo người dân. Từ những giao dịch chỉ vài chục nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, đa số người dân đều lựa chọn thanh toán trực tuyến vì tiện dụng, an toàn, gọn ghẽ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 1/2023, thanh toán trực tuyến được ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là giao dịch Mobile Money (tiền di động) đã đạt hơn 20 triệu giao dịch.
Thanh toán online bùng nổ
Thống kê của NHNN cho thấy, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm ở Việt Nam đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...
Theo khảo sát của tổ chức thẻ Visa, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng cùng một lúc nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… rất cao, trung bình khoảng 93%, trong đó Việt Nam là 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%.
Từ chỗ còn lạ lẫm với thanh toán trực tuyến, bà Thu Nhị (50 tuổi) - một tiểu thương bán hàng tại chợ Tây Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: “Trước đây, khách hàng chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, nhưng nay nhu cầu của khách thanh toán bằng chuyển khoản, quét QR tăng mạnh. Vì vậy, tôi đã đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng. Mỗi ngày, có đến hơn một nửa giao dịch của ki ốt bà Nhị là thanh toán online.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Hương (Hoàng Mai) gần như mua sắm mọi thứ qua kênh online. Giờ ra đường, chỉ cần cầm điện thoại là chị yên tâm mua hàng. “Trước đây ra đường cứ phải cầm ví tiền mới yên tâm, giờ thì chỉ cần điện thoại. Vì đã nhận lương qua tài khoản nên có lúc trong ví tôi chỉ có vài trăm nghìn, thay vì luôn có vài triệu như trước. Các khoản thanh toán lớn đều chuyển khoản, thao tác trên điện thoại rất nhanh gọn”, chị chia sẻ.
Bên cạnh thanh toán trực tuyến, Mobile Money cũng được mở rộng. Tháng 11/2021, NHNN đã chính thức cấp phép cho 3 doanh nghiệp được phép thí điểm cung ứng dụng thanh toán Mobile Money, đó là VinaPhone, MobiFone, Viettel. Theo đó, các thuê bao của 3 nhà mạng này có thể dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau.
Tính đến 31/1/2023, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,2 triệu khách hàng, tăng 14% so với tháng 12/2022, tăng gấp 5 lần so với tháng 1/2022. Trong đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,26 triệu khách hàng, chiếm 70%. Tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 20 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.372 tỷ đồng.
Số thuê bao Mobile Money tăng trưởng nhanh chóng cũng góp phần thúc đẩy thanh toán trực tuyến phát triển.
Cần cơ chế xử lý tranh chấp rõ ràng
Bằng việc đầu tư mạnh cho công nghệ và chuyển đổi số nhanh, các ngân hàng gần đây ghi nhận lượng khách hàng mới gia tăng chóng mặt. Ở một số nhà băng, khách hàng mới trong khoảng 1-2 năm trở lại đây còn cao hơn cả hàng chục năm trước cộng lại.
Theo số liệu mới được các ngân hàng công bố, đến cuối năm 2022, Ngân hàng Quân đội (MB) đã có đến hơn 20 triệu khách hàng, tương đương gần 20% dân số Việt Nam sử dụng dịch vụ của nhà băng này.
Trong khi đó, Techcombank có lượng khách hàng khoảng 10,8 triệu vào cuối năm 2022, tương đương khoảng 10% dân số dùng dịch vụ. Riêng quý IV/2022, ngân hàng này có thêm 373 nghìn khách hàng mới vả cả năm qua đạt hơn 1,2 triệu khách mới. Khối lượng giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân tăng liên tục qua các năm, riêng 2022 tăng 21,7%.
Hay như HDBank cũng có lượng khách hàng đáng nể. Theo số liệu mới nhất, tính đến cuối năm 2022, hệ sinh thái của HDBank phục vụ hơn 14 triệu khách hàng hiện hữu. Trong đó, khách hàng mới gia tăng nhanh chóng, chỉ tính riêng HDSaison, trong năm 2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng đến 49% so với năm 2021, tương đương có hơn 1,2 triệu khách hàng mới.
Mặc dù thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng bùng nổ, lãnh đạo các ngân hàng thương mại vẫn chỉ ra nhiều thách thức.
Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho hay, 4 thách thức lớn nhất là: lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh. “Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó”, ông Thái cho biết MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.
Về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Thách thức về cạnh tranh đặt ra, nên MB sẽ đặt vấn đề vừa cạnh tranh và hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.
Về giải pháp, ông Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.
Trong khi đó, đại diện HDBank đề nghị hàng lang pháp lý liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cần đầy đủ hơn để có cơ sở giải quyết các tranh chấp.
“Hiện nay, mỗi khi tranh chấp xảy ra, ngân hàng thường chủ động chịu thiệt”, lãnh đạo ngân hàng này cho hay.