Số hóa kiểm tra trị giá hải quan để phòng chống gian lận
Cục Hải quan đang đẩy mạnh số hóa kiểm tra trị giá, yêu cầu doanh nghiệp nộp 100% chứng từ điện tử. Tham vấn giá trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống trực tuyến giúp minh bạch, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm.

Công chức Hải quan tiếp nhận và giải quyết thủ tục hải quan.
Rất khó phát hiện vi phạm về trị giá
Trị giá hải quan là cơ sở để tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế liên quan đến hàng hóa xuất, nhập khẩu. Việc xác định chính xác trị giá giúp đảm bảo thu ngân sách, chống gian lận thương mại và tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và xuất, nhập khẩu phát triển mạnh, yêu cầu minh bạch và chính xác trong kiểm tra trị giá càng cấp thiết. Do đó, Cục Hải quan đã chú trọng công tác này bằng việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai biện pháp phòng, chống gian lận khai báo trị giá. Ngành cũng hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật dữ liệu giá và số hóa toàn diện, hướng tới minh bạch trong kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ, giảm chi phí và thời gian, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vi phạm vẫn có, đặc biệt với các mặt hàng giá trị cao như thiết bị điện tử, linh kiện, hàng hiệu, mỹ phẩm cao cấp...
Quá trình kiểm tra trị giá hải quan gặp nhiều khó khăn do mô hình giao dịch quốc tế đa dạng, đặc biệt với các bên liên kết, gây khó khăn trong xác định trị giá. Một số doanh nghiệp cố tình không hợp tác, che giấu chi phí thực tế xuất, nhập khẩu. Thiếu đồng bộ dữ liệu quốc tế và nội địa, nhất là với hàng hóa mới hoặc có giá biến động cao, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kiểm tra.
Ghi nhận tại Chi cục Hải quan khu vực I, công tác kiểm tra trị giá hải quan được thực hiện thường xuyên nhằm tránh các trường hợp khai báo giá nhập khẩu thấp hơn thực tế, gây thất thu thuế. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực I cho hay, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt, qua đó phân tích được những mặt hàng, ngành hàng có tỷ suất lớn và rủi ro cao về công tác thuế, ảnh hưởng đến thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu. Qua 5 tháng, đơn vị đã kiểm tra gần 3.000 tờ khai, trong đó khoảng 500 tờ khai bị bác bỏ trị giá khai báo.
Nói về thủ đoạn, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Đội trưởng Đội Hải quan cửa khẩu Bắc Hà Nội (Chi cục Hải quan Khu vực I) chia sẻ, một số doanh nghiệp che giấu chứng từ, hợp đồng và thông tin giá thực tế của doanh nghiệp và đối tác nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Trong khi đó, bà Nguyễn Tường Linh - Phó Đội trưởng Đội Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Chi cục Hải quan Khu vực I) cho biết, cơ quan hải quan gặp khó khăn với các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng bởi loại hình đa dạng, phong phú. Để công chức hải quan có thể tìm kiếm sản phẩm giống hệt hoặc tương tự để đối chiếu giá, việc này không đơn giản vì chỉ cần một chút khác biệt về thành phần cũng có thể ảnh hưởng lớn đến giá sản phẩm.
Đổi mới phương thức tham vấn giá
Tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, Cục Hải quan đang đẩy mạnh số hóa công tác kiểm tra trị giá hải quan. Doanh nghiệp sẽ nộp 100% chứng từ trên hệ thống điện tử của cơ quan hải quan.
Cụ thể, theo bà Đào Thu Hương - Phó trưởng Ban Nghiệp vụ thuế hải quan (Cục Hải quan), bên cạnh phương thức tham vấn giá trực tiếp, cơ quan hải quan cũng thúc đẩy tham vấn giá gián tiếp qua hình thức trực tuyến, xây dựng bảng câu hỏi thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ gửi câu trả lời kèm theo chứng từ, hồ sơ để thực hiện thủ tục tham vấn. Đồng thời, áp dụng mạnh mẽ hình thức tham vấn một lần và sử dụng nhiều lần cho các lô hàng tiếp theo.
Cục Hải quan xác định kiểm tra trị giá hàng hóa là công cụ quan trọng trong chống gian lận thương mại và đảm bảo công bằng trong xuất, nhập khẩu. Việc xác định đúng trị giá không chỉ bảo vệ nguồn thu ngân sách mà còn tạo môi trường cạnh tranh minh bạch cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngành sẽ hoàn thiện hệ thống pháp lý, cập nhật dữ liệu giá cả và số hóa quy trình kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Môi trường kiểm tra hướng tới minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ và xử lý nghiêm các vi phạm.
Cơ quan hải quan cũng định hướng kiểm tra trị giá gồm xây dựng hệ thống trị giá thống nhất toàn quốc, tăng cường hậu kiểm, minh bạch quy trình, nâng cao cảnh báo tự động và phân tích rủi ro trọng tâm. Để khắc phục tham vấn tràn lan, ngành đang sửa đổi Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, giảm đối tượng kiểm tra và tham vấn, chuyển hồ sơ tham vấn sang hình thức điện tử, đồng thời bổ sung hình thức tham vấn gián tiếp qua hệ thống điện tử nhằm tăng tính minh bạch và thuận tiện; chú trọng truyền thông, hướng dẫn và xây dựng cơ chế phản hồi để doanh nghiệp hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi khai báo trị giá, góp phần hình thành văn hóa tuân thủ và hợp tác lâu dài.
Gian lận trị giá dẫn đến thất thu ngân sách
Các hành vi gian lận trị giá phổ biến gồm khai sai giá giao dịch, không khai các khoản điều chỉnh hoặc mối quan hệ đặc biệt giữa bên mua và bán. Tình trạng này gây chênh lệch lớn giữa trị giá kê khai và giá thực tế, dẫn đến thất thu ngân sách và tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tuân thủ và không tuân thủ pháp luật.