Hành lang pháp lý mới giúp siết chặt nạn hàng giả, hàng kém chất lượng
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặt trọng tâm vào quản lý rủi ro và hậu kiểm bằng dữ liệu số được kỳ vọng sẽ giúp siết nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời quy trách nhiệm kiểm soát sản phẩm cho một đơn vị cụ thể.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã triệt phá hàng loạt các vụ việc hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với quy mô lớn, trong đó có những sản phẩm gây tác động rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng như sữa kém chất lượng, thuốc/thực phẩm chức năng giả. Điều đáng nói là khi vụ việc xảy ra, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá là hành lang pháp lý mới đủ mạnh để siết chặt vấn nạn này.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia (Ảnh: Bộ KH&CN)
Tại họp báo thông tin về 5 Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức, chiều 7/7, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo 9 định hướng lớn.
Theo đó, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đặt trọng tâm vào quản lý rủi ro và hậu kiểm bằng dữ liệu số. Một điểm mới đáng chú ý là yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm cấp quốc gia, quản lý hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số. Đồng thời, tăng trách nhiệm của người bán và sàn thương mại điện tử trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng.
Chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng từ phân nhóm hành chính sang phân loại rủi ro theo ba mức độ rủi ro: thấp, trung bình, cao.
Đối với sản phẩm có mức rủi ro trung bình, thấp, tổ chức được tự công bố tiêu chuẩn/tự đánh giá hoặc tổ chức chứng nhận được công nhận đánh giá hợp quy. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này sẽ được công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia để người dân có thể tìm hiểu, đánh giá, kiểm chứng và phản biện.
“Đối với sản phẩm rủi ro cao buộc phải có đánh giá chứng nhận hợp quy bởi tổ chức được chỉ định hoặc tổ chức được chứng nhận về uy tín. Cách tiếp cận này giúp giảm chi phí tuân thủ, đồng thời phân bổ hợp lý nguồn lực quản lý vào nhóm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, an toàn và môi trường”, ông Hà Minh Hiệp cho hay.
Ngoài ra, nếu trước đây, một sản phẩm, việc quản lý có thể liên quan đến nhiều bộ, ngành thì luật mới thông qua khẳng định một sản phẩm chỉ thuộc một bộ quản lý. Việc này giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời quy trách nhiệm kiểm soát sản phẩm cho một đơn vị cụ thể.
Về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng, luật dành một điều riêng quy định bao gồm: Hộ chiếu số sản phẩm, nhãn điện tử; hệ thống truy xuất nguồn gốc, phản hồi người tiêu dùng; giám sát chất lượng qua nền tảng số, hệ thống dữ liệu tích hợp. Những quy định này góp phần hiện đại hóa quản lý chất lượng trên toàn chuỗi cung ứng.
Xử lý hình sự nếu vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Lần đầu tiên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa xác lập khung pháp lý về hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), là hệ sinh thái bao gồm tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận), kiểm tra và xây dựng chính sách.
Cùng với việc thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp quốc gia có chức năng: Kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; thu thập, phân tích phản ánh, cảnh báo từ người tiêu dùng; hỗ trợ hậu kiểm và xử lý rủi ro chất lượng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại họp báo (Ảnh: Bộ KH&CN)
“Đây là bước tiến giúp quản lý chất lượng dựa trên dữ liệu, phân tích và công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả hậu kiểm, giảm chi phí tuân thủ và tăng tính minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, ông Hiệp khẳng định.
Đáng chú ý, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bổ sung chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe mạnh hơn, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thu hồi giấp phép hoặc hình sự; công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.
Đồng thời, quy định rõ hành vi nghiêm cấm như thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt trên môi trường số.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã thể hiện sự chuyển hướng rõ nét trong tư duy lập pháp từ quản lý hành chính cứng nhắc sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài hợp lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
“Luật sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro; Chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ; Chuyển từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm công bằng, minh bạch trên thị trường. Đây cũng là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng xã hội tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển bền vững.