'Số hóa', lấy công nghệ làm nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp

Nhấn mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp... không còn phù hợp; thay vào đó, ứng dụng công nghệ một cách sâu rộng là giải pháp sống còn để phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã gợi mở một số giải pháp để tăng cường đưa khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý, sản xuất của ngành nông nghiệp, môi trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: N.Lộc

Đây cũng là vấn đề được các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận tại Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 10/5.

5 vấn đề lớn cần làm rõ với ngành nông nghiệp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Nghị quyết 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Trong bối cảnh đó, nông nghiệp và môi trường - hai lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được được xác định là những “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến (hàng đầu, đứng giữa ảnh) đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến (hàng đầu, đứng giữa ảnh) đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp... đang không còn phù hợp.

Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết.

“Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển,” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng đã nêu 5 nhóm nội dung trọng tâm để các đại biểu cùng thảo luận:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học - công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt.

Thứ hai, xác định và tập trung vào những lĩnh vực khoa học công nghệ có tiềm năng lớn - như công nghệ sinh học, công nghệ gen – nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp và môi trường.

Thứ ba, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức khoa học công nghệ công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sức cạnh tranh và lan tỏa tri thức ra thị trường. Việc giao nhiệm vụ khoa học sẽ chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu – gắn chặt với thực tiễn sản xuất, hướng đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Đặc biệt, cần có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là từ khu vực tư nhân, tham gia vào các nhiệm vụ lớn của ngành.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - từ hoạch định chính sách, điều hành đến sản xuất, tiêu thụ - để dữ liệu số, công nghệ số và kinh tế số thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kỳ vọng, hội nghị sẽ là bước khởi đầu tích cực, thúc đẩy quá trình hiện thực hóa các định hướng lớn trong Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn ngành nông nghiệp và môi trường.

Chương trình hội nghị bao gồm 2 phần chính. Phiên toàn thể vào buổi sáng và các phiên chuyên đề buổi chiều.

Phiên chuyên đề buổi chiều chia thành 4 nhóm trọng tâm: (1) Trồng trọt - Bảo vệ thực vật - Lâm nghiệp; (2) Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; (3) Môi trường - Tài nguyên nước; (4) Thủy lợi - Phòng, chống thiên tai - Biến đổi khí hậu. Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận về các định hướng nghiên cứu, cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học phục vụ phát triển ngành.

Với sự đồng hành của các địa phương, doanh nghiệp, giới khoa học và truyền thông, cùng quyết tâm hành động mạnh mẽ, ngành hoàn toàn có thể bứt phá, hình thành các động lực tăng trưởng mới trong kỷ nguyên số.

Tại phiên toàn thể diễn ra sáng 10/5, các đại biểu đã nghe trình bày, trao đổi về thực trạng và giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; định hướng của Quốc hội và Chính phủ đối với lĩnh vực này; cùng các tham luận từ doanh nghiệp, địa phương và đơn vị liên quan đến vấn đề chuyển đổi số, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Định hướng nghiên cứu vì môi trường và nông nghiệp bền vững

TS. Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác lập 5 quan điểm nền tảng, trong đó đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được coi là động lực chính để thúc đẩy lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đây không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật mà còn là một yêu cầu chính trị - xã hội, đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Ông Tiến cũng cho biết ngay sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để cụ thể hóa các nhiệm vụ, thể hiện tinh thần hành động khẩn trương.

“Các mục tiêu quốc gia được đặt ra mang tính “cách mạng.” Đó là đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến 2045, mục tiêu còn cao hơn - đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao” - ông Tiến cho biết.

GS Laurent Marc El Ghaoui - Phó Hiệu trưởng VinUni, khẳng định Trường Đại học VinUni đang tập trung phát triển nhiều hướng nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và khí tượng tại Việt Nam.

Thông qua Trung tâm Trí tuệ Môi trường (CEI), VinUni ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mô hình số để xây dựng các giải pháp giám sát môi trường, phát triển vật liệu bền vững và hỗ trợ nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà trường đã có những thành tựu nhất định trong nghiên cứu các công trình giao thông đô thị, giải pháp nuôi biển công nghệ cao và quan trắc khí tượng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến bổ sung, rằng kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển của Trường Đại học VinUni là nguồn tham khảo quý báu trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải và phát triển nuôi biển bền vững. Trong đó, lĩnh vực nuôi biển đặc biệt cần sự hợp tác quốc tế, bởi Việt Nam vẫn đang đi sau về công nghệ. Thực tế, nhiều mô hình nuôi biển hiện đại đã được triển khai thử nghiệm tại Khánh Hòa, mang lại những tín hiệu tích cực.

Với vùng biển rộng khoảng 1 triệu km², nếu khai thác hiệu quả chỉ một nửa diện tích, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/so-hoa-lay-cong-nghe-lam-nen-tang-de-thuc-day-tang-truong-nong-nghiep-40137.html