Số hóa lĩnh vực hộ tịch: Tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả

Từ tháng 10-2018, các xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku đã thực hiện kết nối, vận hành phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp, đồng thời cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Qua gần 1 năm triển khai, việc số hóa lĩnh vực hộ tịch đã giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của Nhà nước.

Phường Hội Thương tiến hành công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp kể từ tháng 10-2018. Đồng thời, chính quyền địa phương triển khai thực hiện liên thông 3 nhóm thủ tục hành chính gồm: khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Thông qua hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, tất cả các dữ kiện như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, thay đổi cải chính hộ tịch… đều được cán bộ tư pháp cập nhật chuyển lên hệ thống kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. “Tất cả đăng ký khai sinh từ ngày 1-10-2018 đều thực hiện đăng ký hộ tịch qua hệ thống và được cấp luôn mã số định danh. Công tác cập nhật dữ liệu lên hệ thống đòi hỏi phải thao tác cẩn thận, chính xác trước khi chuyển về Trung ương. Đây là giai đoạn xây dựng nền móng thông tin, số hóa dữ liệu hộ tịch nên công chức tư pháp-hộ tịch vừa phải hoàn thành các đầu công việc, vừa phải cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy hiện đang lưu trữ tại địa phương lên hệ thống. Vì thế, áp lực lẫn khối lượng công việc khá lớn”-bà Trần Thị Ngọc Dung-công chức tư pháp-hộ tịch phường Hội Thương-chia sẻ.

Dữ liệu hộ tịch được số hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Ảnh: S.C

Dữ liệu hộ tịch được số hóa sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Ảnh: S.C

Về phía người dân, bà Nguyễn Thị Lý (tổ 3, phường Hội Thương) vui vẻ cho biết: “Tôi đến trụ sở UBND phường đăng ký khai sinh cho cháu nội thì được cán bộ tư pháp hướng dẫn rất cụ thể, nhiệt tình. Chỉ cần một bước đăng ký, kê khai thông tin, sau 13 ngày, tôi đã nhận được giấy khai sinh và bản sao theo yêu cầu, nhập hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho cháu nội. Điều tôi hài lòng nhất là không phải đi lại nhiều lần ở các cơ quan như trước kia. Một điểm rất mới là trong giấy khai sinh của cháu tôi có cả mã số định danh”.

Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11-12-2015 của Bộ Tư pháp phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, ngày 22-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2840/KH-UBND triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2016 đến tháng 6-2017) tiến hành trang bị cơ sở vật chất để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về đăng ký, quản lý hộ tịch; chỉnh sửa phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch hiện có tại địa phương. Giai đoạn 2 (từ tháng 7-2017 đến tháng 12-2019), bố trí đủ máy tính kết nối internet, máy in phục vụ đăng ký và quản lý hộ tịch; chỉnh sửa xong phần mềm đang sử dụng tại địa phương đảm bảo tương thích, kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; cài đặt, kết nối, vận hành phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung toàn quốc; kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân; cập nhật dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy hiện đang lưu trữ tại UBND cấp huyện, cấp xã vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp.

Liên quan đến thực hiện số hóa sổ hộ tịch, Phòng Tư pháp TP. Pleiku đã báo cáo kết quả rà soát tổng hợp, đánh giá thực trạng số lượng dữ liệu hộ tịch còn lưu trữ trên địa bàn cần phải cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và mốc thời gian dự kiến hoàn thành cho từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, số hóa sổ hộ tịch từ ngày 1-1-2016 đến nay; giai đoạn 2, số hóa sổ hộ tịch từ năm 2006 đến năm 2015; giai đoạn 3, số hóa sổ hộ tịch từ năm 1999 đến năm 2006; giai đoạn 4, số hóa sổ hộ tịch từ năm 1976 đến năm 1999; giai đoạn 5, số hóa sổ hộ tịch từ năm 1975 trở về trước (trên địa bàn TP. Pleiku không còn lưu trữ sổ hộ tịch đăng ký từ năm 1975 trở về trước). Bà Hồ Thị Ngọc Huyền-Trưởng phòng Tư pháp TP. Pleiku-cho biết: “Năm 2019, Phòng Tư pháp đã có văn bản gửi UBND các xã, phường để triển khai chuyển đổi dữ liệu, số hóa hộ tịch theo nguyên tắc cơ quan nào lưu trữ thì cơ quan đó thực hiện số hóa và chia làm 5 giai đoạn thực hiện. Trong đó, chúng tôi ưu tiên triển khai thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc giai đoạn 1 (từ ngày 1-1-2016 đến 1-10-2018), giai đoạn 2 (từ năm 2006 đến hết năm 2015). Cũng theo bà Huyền, việc số hóa hộ tịch sẽ giúp thuận tiện hơn cho việc tra cứu, lưu trữ, xác định tình trạng nhân thân của cá nhân, chặt chẽ hơn trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lĩnh vực tư pháp trên địa bàn.

SƠN CA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12379/201908/so-hoa-linh-vuc-ho-tich-tiet-kiem-thoi-gian-nang-cao-hieu-qua-5647324/