Số hóa tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước về hải quan
Số hóa không chỉ là tạo bước đột phá về quản lý nhà nước về hải quan, mà còn rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, là động lực để cùng doanh nghiệp vượt qua những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hướng tới hải quan phi giấy tờ
Thời quan qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nổi bật là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử.
Trên nền tảng kết quả tích cực trong việc cải cách, đầu năm 2022, Chỉ thị số 384/CT - TCHQ về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan hướng tới hải quan phi giấy tờ tiếp tục được Tổng cục Hải quan ban hành nhằm tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Hồng Vân
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Đào Duy Tám, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan và các pháp luật có liên quan cơ bản đã đáp ứng để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để triển khai thủ tục hải quan theo hướng phi giấy tờ, thì vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện thêm, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu được triển khai hoàn toàn trên môi trường điện tử, chuẩn hóa dữ liệu để hướng tới hải quan số.
Hiện nay, thủ tục hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, theo đó, các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan cũng được nộp và xuất trình dưới dạng đính kèm qua hệ thống. Tuy nhiên, vẫn còn một số chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan dưới dạng bản giấy trong quá trình làm thủ tục hải quan, ví dụ như: chứng từ chứng nhận xuất xứ theo một số Hiệp định Thương mại tự do hoặc theo quy định của các bộ quản lý ngành lĩnh vực; giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc chứng từ kiểm tra chuyên ngành chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan hải quan dẫn đến nhiều thủ tục hành chính vẫn thực hiện thủ công…
Do vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin và hướng tới thực hiện hải quan thông minh, hải quan số, vấn đề đầu tiên cần triển khai là tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin
Theo ông Đào Duy Tám, ngành Hải quan sẽ tập trung hoàn thiện Đề án “Thuê dịch vụ CNTT thực hiện hải quan số” và dự kiến sẽ triển khai áp dụng thí điểm từ năm 2023. Đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ. Mô hình này cũng đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định thúc đẩy hải quan số
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thành việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và thay thế Nghị định số 59/2018/NĐ-CP; Nghị định về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Toàn bộ dữ liệu trên hệ thống sẽ được tập trung thành cơ sở dữ liệu lớn, được phân tích xử lý thông minh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), được tự động cập nhật, trao đổi dữ liệu với các cơ quan có liên quan và cho phép xử lý thông tin trước khi hàng đến và trước khi hàng đi… Việc hoàn thành đề án và đưa Hệ thống hải quan số, Hải quan thông minh vào triển khai ứng dụng sẽ tạo bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, là tiền đề để thực hiện Hải quan số, Hải quan phi giấy tờ.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cũng là định hướng trong thời gian tới của ngành Hải quan. Đó là tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu, thông tin, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa xử lý dữ liệu.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả ứng dụng của các hệ thống trang thiết bị hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin cũng là định hướng của ngành Hải quan trong thời gian tới, bởi hiện nay, cơ quan hải quan đã được trang bị và sử dụng, vận hành nhiều hệ thống trang thiết bị hiện đại, ví dụ như: hệ thống máy soi, camera, seal định vị…