Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản - 'bệ đỡ' cho nền nông nghiệp minh bạch

Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức Diễn đàn 'Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm'. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng để cải thiện hệ thống truy suất nguồn gốc phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. Ảnh: Văn Hiếu

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng để cải thiện hệ thống truy suất nguồn gốc phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. Ảnh: Văn Hiếu

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính Nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ Nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,…

Với những giá trị to lớn trên, “hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”- Ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Cũng theo ông Toản, hiện nay, Việt Nam có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Theo thông tin từ diễn đàn, hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD.

Sản phẩm nông sản có mã code truy suất nguồn gốc sẽ gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Ảnh: Bích Nguyên

Sản phẩm nông sản có mã code truy suất nguồn gốc sẽ gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Ảnh: Bích Nguyên

Tuy nhiên, thành tựu luôn song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị, hướng tới xóa bỏ một nền nông nghiệp “mù mờ” từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý, “mù mờ” từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc… Những nỗ lực đó nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Điều này cũng góp phần định danh nông sản Việt, xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được cập nhật các thông tin liên quan về các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản - thực phẩm.

Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy số hóa trong truy suất nguồn gốc nông sản.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/so-hoa-truy-xuat-nguon-goc-nong-san-be-do-cho-nen-nong-nghiep-minh-bach-post459238.html