Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn
Đây là chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2022 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra, nhằm cùng tìm hiểu về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc khuyến khích đổi mới và sáng tạo; ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn.
Ngày 21/4 hằng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong mọi khía cạnh của sự phát triển. Từ năm 2000, Tổ chức WIPO đã lấy ngày 26/4 hằng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day).
Năm nay, hướng tới Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, WIPO đưa ra thông điệp “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn” để ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững hơn.
Theo WIPO, những người trẻ đang chấp nhận những thách thức của sự đổi mới, sáng tạo, sử dụng năng lượng và sự khéo léo, trí tò mò, sự sáng tạo của mình để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 là cơ hội để những người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu của họ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh. Qua cuộc vận động, hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, những người trẻ hiểu hơn về cách các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ, như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các đối tượng khác… có thể hỗ trợ người trẻ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Hoặc tìm ra những gì mà sở hữu trí tuệ có thể làm cho họ. Đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lắng nghe những mong muốn và mối quan tâm của các nhà sáng chế, các nhà sáng tạo và nhà doanh nghiệp trẻ; phát triển các chính sách và chương trình nuôi dưỡng, hỗ trợ những nỗ lực đổi mới của họ vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Hưởng ứng các chuỗi sự kiện và mục tiêu quan trọng đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai các hoạt động hướng đến chủ đề Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022. Theo đó, trong tháng 4/2022, trọng tâm từ ngày 19/4 – 26/4, sẽ phối hợp, kết nối với các hoạt động để hướng đến chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5). Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: Treo pano, băng rôn, áp phích khẩu hiệu tuyên truyền tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm phù hợp khác; với các khẩu hiệu tuyên truyền, truyền thông “Thế hệ trẻ là lực lượng tiên phong thực hiện đổi mới sáng tạo và phát triển tài sản trí tuệ”, “Đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ vì tương lai tốt đẹp hơn”, “Sở hữu trí tuệ - Công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội”, “Văn hóa sở hữu trí tuệ - Nét đẹp của thế hệ trẻ hôm nay”, “Đổi mới sáng tạo – Khơi nguồn tri thức”; “Đổi mới sáng tạo – Nâng cao giá trị cuộc sống”… Bên cạnh đó, kêu gọi thiết lập các nhóm hành động, nhóm tình nguyện để tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ các đoạn phim giới thiệu, phóng sự, các chương trình, tài liệu trực tuyến, hoặc tổ chức các cuộc thi, diễn đàn trên nền tảng mạng xã hội, các website có nội dung liên quan đến chủ đề Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022, nhằm tăng cường sự quan tâm, tương tác của cộng đồng.
Hiện nay ở tỉnh ta, hoạt động sở hữu trí tuệ đang ngày càng gắn kết các hoạt động chung của các ngành, địa phương. Sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo… được đẩy mạnh. Tỉnh đã từng bước hoàn thiện các chính sách về sở hữu trí tuệ, nhất là việc quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Các đơn vị, sở, ngành lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ trong các chiến lược, phát triển ngành, lĩnh vực. Việc xây dựng đội ngũ trí thức, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; công tác xây dựng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã có 03 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, gồm: Hồng không hạt, quýt và miến dong Bắc Kạn; 03 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo Bao thai Chợ Đồn, lúa nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, thực hiện kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh… phát động Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn lần thứ 2, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiêu biểu để tôn vinh, nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong phong trào khởi nghiệp.
Ngoài ra, các hoạt động tôn vinh với các danh hiệu như: “Tri thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ”, “Điển hình lao động sáng tạo”, “Tài năng trẻ về khoa học và công nghệ”… đã được các cấp, ngành, đoàn thể quan tâm. Riêng trong năm 2021, tỉnh tôn vinh 06 cá nhân “Trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ”, 04 cá nhân “Điển hình lao động sáng tạo”, 03 cá nhân “Tài năng trẻ về khoa học và công nghệ”. Việc tôn vinh khẳng định vị trí, vai trò và ghi nhận công lao, thành tích của đội ngũ trí thức, điển hình lao động sáng tạo, tài năng trẻ về khoa học công nghệ, kịp thời khích lệ sự năng động, sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.