Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án 06 và triển khai nhiệm vụ năm 2024
Chiều 1/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị được kết nối tới điểm cầu của các huyện, thành, thị trong tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh. Cùng dự có các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương.
Xác định sự thành công của Đề án 06 là tiền đề cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trên cả bốn trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành bám sát chỉ đạo của Trung ương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Cụ thể, Phú Thọ đã hoàn thành 24/26 nhiệm vụ theo Kế hoạch của UBND tỉnh; thành lập Tổ công tác tại 13 huyện, thành, thị; 225 xã, phường, thị trấn và 2.328 khu dân cư trên địa bàn; 100% cơ quan nhà nước của tỉnh đã bố trí cán bộ chuyên trách/phụ trách về công nghệ thông tin (CNTT); 13/13 UBND các huyện, thành, thị đã chỉ đạo thành lập 1.564 tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở. Triển khai được 22/25 mô hình điểm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án trên địa bàn, tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hạ tầng CNTT và các nền tảng triển khai chuyển đổi số được quan tâm chỉ đạo đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật và khai thác sử dụng của chính quyền điện tử; 100% cán bộ, công chức từ tỉnh đến huyện, 90% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng internet tốc độ cao; 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện đánh giá, xác định cấp độ và phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, trong đó, 75 hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin, tăng 66 hệ thống so với năm 2021...
Việc triển khai số hóa được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh ở cả 3 cấp chính quyền từ ngày 01/6/2022. Đến tháng 12/2023, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 52,8%; cổng dịch vụ công của tỉnh cung cấp 2.032 thủ tục hành chính; triển khai cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án 06. Trong 2 năm 2022, 2023 đã tiếp nhận trực tuyến 631.308 hồ sơ, đạt tỷ lệ 66,67%.
Chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp thu hồ sơ, cấp thẻ CCCD và thu nhận hồ sơ định danh điện tử cho công dân trên địa bàn. Đến ngày 9/6/2023, Phú Thọ là 1 trong 19 tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn (vượt kế hoạch Bộ Công an giao 21 ngày); đến ngày 4/10/2023, hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Đến nay đã cấp 1.283.830 hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip; kích hoạt 871.351 tài khoản định danh điện tử...
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án 06 còn có những khó khăn, vướng mắc như: Hệ thống các phần mềm nghiệp vụ chưa hoàn chỉnh, thường xuyên bảo trì, nâng cấp, cập nhật chức năng mới; trình độ nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế, chưa có điều kiện trang bị, kỹ năng sử dụng thiết bị điện tử thông minh để tiếp cận các tiện ích Đề án mang lại; một số thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa phù hợp với hình thức cung cấp, thực hiện qua môi trường điện tử; nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06 còn hạn chế...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06, đồng thời làm rõ những nguyên nhân của khó khăn, tồn tại và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt Đề án trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Tường phát biểu ý kiến liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Đề án
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, địa phương trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu triển khai, thực hiện Đề án 06 đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy các sở, ngành, đoàn thể, địa phương cần tăng cường công tác tuyên tuyền về Đề án 06, đặc biệt là ứng dụng định danh điện tử (VNeID), căn cước công dân gắn chip, trước hết là phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện, từ đó nhằm lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ quan tâm chỉ đạo quyết liệt các vấn đề về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dịch vụ công, dữ liệu, nguồn lực để không tạo thành điểm nghẽn, cản trở việc triển khai thực hiện Đề án 06.
Tại hội nghị, đã có 6 tập thể và 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06.