Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Hôm nay 20/4, tại TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Bình, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị 'Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng' (Chỉ thị số 13) khu vực Bắc Trung Bộ. Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng làm trưởng đoàn tham dự hội nghị.
Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, dân số trên 11,09 triệu người, với diện tích 51.452,4 km2 (tỉ lệ 15,5% tổng diện tích cả nước). Trong đó, có trên 3,1 triệu ha đất có rừng với tỉ lệ che phủ 57,4% (21,2% diện tích rừng cả nước), là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã làm rõ tiềm năng, thế mạnh về rừng của tỉnh, những kết quả của Quảng Trị sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13.
Theo đó, tại Quảng Trị, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng là 285.878 ha, chiếm 60,8% diện tích toàn tỉnh. Độ che phủ rừng đạt 49,9%. Giai đoạn 2017 - 2022, diện tích trồng rừng tập trung đạt 56.079,86 ha; toàn tỉnh đã trồng được khoảng 16,4 triệu cây phân tán các loại.
Hàng năm, tỉnh thực hiện trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 7.200 - 12.500 ha. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được 108,529 tỉ đồng; bình quân mỗi năm thu 18,088 tỉ đồng. Hơn 18.300 ha diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết các chủ trương về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trên cơ sở đó có những chủ trương mới để tăng cường sự lãnh đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian tới.
Kịp thời chỉ đạo thực hiện và tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương cần có cơ chế hưởng lợi cho người dân được giao rừng tại những vùng không được chi trả dịch vụ môi trường rừng; chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình và các doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, tạo điều kiện để các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng diện tích rừng có chứng chỉ và phát triển sản xuất ổn định.
Rà soát, sửa đổi quy định chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi rừng, cải tạo rừng phù hợp với tình hình phát triển KT - XH hiện nay. Cần có chính sách bảo hiểm phù hợp đối với loại hình kinh doanh rừng này, có như vậy người dân mới yên tâm phát triển trong tương lai…
Về công tác triển khai Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, theo kế hoạch tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp nhận nguồn kinh phí với tổng số tiền 2.635.538 USD giai đoạn 2023 - 2025 thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, nguồn kinh phí này sẽ góp phần giúp việc quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn trong điều kiện ngân sách bố trí cho lâm nghiệp còn hạn chế. Từ đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm hoàn thiện kế hoạch, sổ tay hướng dẫn về trình tự lập, phê duyệt kế hoạch thu, chi, nghiệm thu và thanh quyết toán tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính để các địa phương vùng Bắc Trung Bộ triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đồng tình với các kiến nghị, đề xuất và nhấn mạnh một số nội dung: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giải quyết dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh; tình trạng di dân tự do.
Có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng: đổi mới chính sách đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển chế biến, thương mại gỗ và lâm sản; phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng…
Đồng thời có các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển bền vững dịch vụ môi trường rừng; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thị trường tín chỉ các-bon ở Việt Nam.