Sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ

BHG - Sáng 6.7, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 403, ngày 15.6.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Chuyên trách ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Hà Giang; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện thường trực và lãnh đạo các ban chuyên môn của Ủy ban MTTQ tỉnh...

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Sau 5 năm thực hiện NQLT số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đi vào chiều sâu. Số lượng, chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội được nâng lên; lĩnh vực, nội dung giám sát đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nội dung kiến nghị sau giám sát ngày càng cụ thể, có căn cứ pháp lý, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã tiến hành giám sát 60.463 cuộc bằng hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức 293.662 cuộc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức gần 23.900 hội nghị phản biện xã hội và 19.714 cuộc phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan, tổ chức...

Tại tỉnh Hà Giang, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức 3.281 cuộc giám sát bằng hình thức tổ chức đoàn giám sát; 1.961 cuộc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Đồng thời, tổ chức 237 hội nghị phản biện xã hội vào 298 dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quyết định, đề án về phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền các cấp...

Qua ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị: MTTQ các cấp tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật, bảo đảm hoạt động công tác Mặt trận. Đồng thời, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh chính trị để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần “dám nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”...

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/so-ket-cong-tac-giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mttq-0ea5411/