Số liệu bệnh nhân nhập viện không phải là thước đo chính xác đại dịch
Những số liệu hiện nay không phân biệt cụ thể giữa người nhập viện bởi COVID-19 và những người có kết quả dương tính tại bệnh viện khi xét nghiệm theo quy định.
Theo một số nhà khoa học, việc sử dụng số liệu người bệnh nhập viện mắc COVID-19 để làm thước đo tình hình dịch bệnh có thể không còn đưa ra bức tranh toàn cảnh chính xác trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan rộng hiện nay, khi ngày càng nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện vì những lý do khác.
Theo AsiaOne, những số liệu hiện nay không phân biệt cụ thể giữa người nhập viện bởi COVID-19 và những người có kết quả dương tính tại bệnh viện khi xét nghiệm theo quy định. Chẳng hạn như người bị trụy tim phải nhập viện và có kết quả dương tính.
Liệu COVID-19 có phải nguyên nhân gây trụy tim hay không? Câu trả lời là có thể, song tùy thuộc vào hiện trạng của từng cá nhân cụ thể.
Tại Anh, dữ liệu chính phủ cho thấy biến thể Omicron đã khiến số ca mắc tăng cao chưa từng có kể từ khi xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, song số bệnh nhân COVID-19 nhập viện để thở máy hầu như không thay đổi và tỷ lệ sử dụng của phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) lại ít thay đổi.
Với tỷ lệ tử vong tương đối ổn định bất chấp biến thể Omicron lây lan, một số quốc gia như Tây Ban Nha đang cân nhắc liệu có nên áp dụng cách thức mới để truy vết virus hay không, dù nhiều nhà dịch tễ học cho rằng việc thay đổi mục tiêu không làm thay đổi thực tế rằng các bệnh viện và nhân viên y tế vẫn rơi vào tình trạng quá tải do COVID-19.
Dữ liệu ở New York (Mỹ) trong tháng này cho thấy 42% người bệnh phải nhập viện mắc COVID-19 là những bệnh nhân nhập viện vì những lý do khác và chỉ phát hiện dương tính khi xét nghiệm theo quy định.
Thậm chí, Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tuần trước cho biết có thể có tới 30% người nhập viện mắc COVID-19 thực sự bị lây nhiễm trong khi nhập viện.
Theo Giáo sư Paul Hunter thuộc Đại học East Anglia (Anh), nguyên nhân có thể phần nào do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh. Chính vì vậy, ông nhận định tỷ lệ sử dụng ICU có thể là thước đo tốt hơn về mức độ nghiêm trọng thực sự của dịch bệnh.
Tại Italy, Bộ Y tế nước này cho biết đang đánh giá một đề xuất từ chính quyền các vùng về việc loại những người không triệu chứng phải nhập viện vì những lý do khác khỏi số liệu nhập viện vì COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích rằng đây là nỗ lực phi khoa học của các vùng nhằm tránh bị xếp vào “vùng đỏ” và phải áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ủy ban các nhà khoa học cố vấn cho Chính phủ Italy cuối tuần trước đã khuyến nghị những biện pháp thống kê hiện nay để đo lường mức độ lây lan của dịch bệnh cần được duy trì.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phân biệt những bệnh nhân nhập viện phần lớn không triệu chứng dự kiến sẽ là xu thế chủ đạo ở các nước châu Âu khi biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Tại Ireland, số liệu đánh giá với 45% người dương tính với COVID-19 khi nhập viện cho thấy 58% trong số đó không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.
Thậm chí, hơn 70% số người nhập viện đó không cần liệu pháp thở cho thấy tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với trước đây.
Tại Tây Ban Nha, hơn 18.000 người nhập viện do COVID-19, tăng 79% so với các đỉnh dịch trước. Đáng chú ý, theo nhật báo El Paris, có đến 25% đến 40% có kết quả dương tính khi nhập viện không phải điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, Simon Clarke, Phó Giáo sư về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading của Anh, nhận định ngay cả khi tỷ lệ mắc COVID-19 trong bệnh viện chỉ phản ánh phần nào sự lây lan của dịch bệnh trong dân số, cũng không nên bỏ qua thực tế này.
Bởi có khả năng COVID-19 sẽ khiến tình trạng người bệnh nhập viện vì những lý do khác trở nên tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, cũng cần phải thừa nhận người bệnh mắc COVID-19 phải nhập viện bất kể lý do gì vẫn là áp lực với các bệnh viện./.