Số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa 'chậm dần đều' qua các năm

Qua theo dõi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông), đánh giá số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa 'chậm dần đều' qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra.

Tại phiên thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, sáng ngày 30/5, đại biểu Giang đánh giá, cổ phần hóa (CPH) nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Dẫn các báo cáo về CPH, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Giang đánh giá, việc phê duyệt phương án cơ cấu DN ở một số bộ ngành địa phương còn chậm, chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn theo kế hoạch; còn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nằm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối...

Qua theo dõi, số lượng DN hoàn thành CPH "chậm dần đều" qua các năm, không đạt kế hoạch đề ra. Ví dụ, 64 DN phải CPH trong năm 2018 thì chỉ có 12 DN hoàn thành (đạt 17%), 35 DN đề nghị huyển sang năm 2019, 12 DN chuyển sang 2020 và 6 DN không rõ thời gian hoàn thành.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông)

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đăk Nông)

Ngoài nguyên nhân khách quan tồn tại đã lâu là nhiều DN có quy mô lớn, quản lí nhiều tài sản nhà nước nên việc xác định giá trị DN khó khăn, phương án sử dụng đất, quy trình thời gian thực hiện kéo dài... dẫn tới không hoàn thành đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, ông Giang nhận xét còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa tích cực.

"Còn lợi ích nhóm trong CPH, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời", ông nhấn mạnh và dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hóa tại Cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ công bố.

Ở trường hợp này, ông Giang cho rằng Bộ Giao thông Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn. Theo kết luận thanh tra, quá trình chuyển nhượng vốn Bộ đã ban hành 2 văn bản trái quy định, bán vốn hơn 75% cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành. Thanh tra Chính phủ sau đó đã yêu cầu thu hồi 2 văn bản trái luật này và yêu cầu Vinalines phải thanh toán các khoản tiền cho cổ đông để thu hồi lại tỷ lệ hơn 75% vốn đã bán.

Ví dụ thứ 2 là Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, ở đây trong quá trình xác định giá trị DN, khoản nợ của DN với Nhà nước do có ý kiến của các cơ quan nhà nước khác nhau. Do đó, sau quá trình CPH, thoái vốn Nhà nước, Nhà nước khó thu hồi khoản nợ với Ngân sách Nhà nước.

Với cách làm trên đã ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư khi tham gia CPH DNNN. Do vậy, ông cho rằng có hình thức xử lý nghiêm minh với tổ chức cá nhân cố tình trì hoãn không CPH, cũng như các tổ chức cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình CPH.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/so-luong-doanh-nghiep-hoan-thanh-co-phan-hoa-cham-dan-deu-qua-cac-nam-1057461.html