Số lượng heo tái đàn sẽ tiếp tục tăng

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) bùng phát đã gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi heo của các hộ dân, trang trại và gia trại trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sau khi tỉnh công bố hết DTHCP thì người chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn nhằm cung ứng nguồn thịt phục vụ cho người tiêu dùng... Để tìm hiểu thêm về tình hình tái đàn heo cũng như các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi trong thời gian phát triển đàn heo, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN-TY) tỉnh xoay quanh các nội dung trên.

Phóng viên: Từ khi UBND tỉnh có quyết định công bố hết DTHCP thì tình hình tái đàn heo có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 339/QĐ-UBND, ngày 19-2-2020 về công bố hết DTHCP trên địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo, nhất là việc tổ chức tái đàn, phát triển đàn heo trên địa bàn. Theo thống kê, tổng đàn heo của tỉnh đến tháng 6-2020 là 94.000 con, trong đó số heo tái đàn là 58.380 con, chủ yếu là heo thịt. Để tăng đàn heo, đơn vị tổ chức thẩm định điều kiện tái đàn cho các cơ sở đăng ký tập trung chủ yếu ở các trang trại của doanh nghiệp chăn nuôi lớn có khả năng chủ động về con giống, có điều kiện về trang thiết bị, vật tư và kỹ thuật, đáp ứng điều kiện an toàn sinh học nên thời gian tới số lượng đàn heo tái đàn sẽ tiếp tục tăng.

Bên cạnh thuận lợi thì hiện nay công tác tái đàn, tăng đàn vẫn gặp nhiều khó khăn bởi bệnh DTHCP rất nguy hiểm đối với heo, virus có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh; hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu thay thế nội bộ và mạng lưới gia công, hạn chế bán con giống ra ngoài, vì vậy giá heo giống tăng cao từ 2,5 - 3 triệu đồng/con, dẫn đến việc hộ nuôi nhỏ lẻ thiếu vốn sản xuất. Một số cơ sở chăn nuôi tổ chức tái đàn vội vàng, chưa đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch.

Phóng viên: Trước những khó khăn đồng chí thông tin thì ngành chăn nuôi tỉnh triển khai các giải pháp gì để hỗ trợ người chăn nuôi heo?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Trước hết để đảm bảo việc tăng đàn heo trong hộ dân được thuận lợi, đơn vị đã tham mưu đơn vị chủ quản trình UBND tỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc tái đàn như: chính sách lãi suất về tiền vay, chính sách về đất đai cho người chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn cũng như hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có heo mắc bệnh và buộc tiêu hủy trong đợt DTHCP vừa qua để sớm ổn định sản xuất.

Qua đó, đơn vị đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ cho quá trình tái đàn trên địa bàn tỉnh là tập trung tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học; chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết trong sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp tác giữa các cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo tính từ heo xuất chuồng đến người tiêu dùng, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất, kinh doanh heo giống, heo thịt và các sản phẩm thịt heo trái phép.

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn, tăng đàn heo; tuyên truyền để người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt heo như thịt gia súc khác, thịt và trứng gia cầm, thủy sản với nguồn cung dồi dào và giá cả hợp lý; khuyến khích phát triển đàn heo đối với các trang trại chăn nuôi có điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật tốt, kiểm soát và thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.

Phóng viên: Trước tình hình bệnh DTHCP có nguy cơ bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành trong cả nước, ngành chăn nuôi tỉnh đã triển khai công tác ứng phó như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Lâm Minh Hoàng: Nhằm ứng phó với bệnh DTHCP có nguy cơ bùng phát trở lại trên đàn heo, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của bộ, ban ngành Trung ương, UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông về tính chất nguy hiểm của bệnh DTHCP đối với heo nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng để hộ dân nắm bắt thông tin; tăng cường công tác quản lý để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện bệnh DTHCP; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, đặc biệt là vận chuyển heo nuôi thương phẩm và heo đến cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn heo…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

Thúy Liễu (thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/so-luong-heo-tai-dan-se-tiep-tuc-tang-38702.html