Khi nào người lao động được coi là có việc làm?

Trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, ông Trần Văn Thao (Thái Nguyên) tìm được việc làm mới và ký hợp đồng thử việc 2 tháng. Hết thời gian thử việc, ông được công ty ký hợp đồng đào tạo 3 tháng có lương nhưng chưa được đóng BHXH.

Theo ông Thao tham khảo, Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định, trường hợp 2 bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động. Tuy nhiên, chiếu theo các điều kiện của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP thì ông chưa được coi là có việc làm.

Ông Thao hỏi, trong thời gian nhận lương hợp đồng đào tạo ông có được trợ cấp thất nghiệp nữa không?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Tại Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Theo Điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm thì người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm.

Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP quy định người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

- Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;

- Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;

- Người lao động thông báo đã có việc làm cho Trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trình Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm dịch vụ việc làm gửi: 1 bản đến BHXH cấp tỉnh để thực hiện việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động; 1 bản đến người lao động.

Quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

Trường hợp ông có việc làm theo các quy định nêu trên thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm, ông phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu không thông báo đúng thời hạn nêu trên sẽ không được bảo lưu thời gian đóng BHTN tương ứng với thời gian mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp (Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP).

BHXH Việt Nam cung cấp thông tin để ông đối chiếu với trường hợp của mình, nếu ông thấy mình không thuộc đối tượng chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên thì cung cấp hồ sơ có liên quan và liên hệ trực tiếp với Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi ông đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để được giải đáp cụ thể hơn.

Việc ông trích dẫn quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ là không phù hợp vì Nghị định này đã hết hiệu lực thi hành kể từ khi Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 được ban hành và có hiệu lực pháp lý.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/khi-nao-nguoi-lao-dong-duoc-coi-la-co-viec-lam-102240711173239266.htm