Số người mắc ung thư mới ở Việt Nam vẫn ở mức cao

Sáng 31-10, Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024.

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hà Trần

GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Hà Trần

Chia sẻ tại hội thảo, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Công tác phòng, chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình, sự hỗ trợ tích cực từ xã hội, cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, những năm qua, chuyên ngành ung thư đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư của Bệnh viện K và một số bệnh viện đã ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Một thuận lợi lớn nữa cho người bệnh ung thư là hầu hết các xét nghiệm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật đều được BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần mặc dù chi phí hết sức tốn kém. Như báo cáo gần đây nhất cho thấy năm 2023, chi trả cho thuốc điều trị ung thư lên tới hơn 7.500 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng chi khám chữa bệnh BHYT, con số này năm 2022 là hơn 6.600 tỷ đồng (chiếm 14,5%).

Hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số thu hút hơn 1.300 chuyên gia trong nước và quốc tế. Ảnh: Hà Trần

Hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số thu hút hơn 1.300 chuyên gia trong nước và quốc tế. Ảnh: Hà Trần

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2022 Việt Nam ước tính có 180.480 trường hợp mới mắc ung thư và 120.184 trường hợp tử vong do ung thư (Việt Nam có tỷ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; cao thứ 20/47 quốc gia châu Á).

PGS, TS Phạm Văn Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới, Việt Nam đều có xu hướng tăng. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn phổ biến. Chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư rất ít được thực hiện trong cộng đồng. Chi phí điều trị bằng các phương pháp mới, kỹ thuật mới cao, hạn chế sự tiếp cận của người bệnh. Hoạt động chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đời chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến y tế cơ sở còn gặp nhiều khó khăn…

GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ về hiệu quả của điều trị đa mô thức đối với bệnh nhân ung thư. Ảnh: Hà Trần

GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ về hiệu quả của điều trị đa mô thức đối với bệnh nhân ung thư. Ảnh: Hà Trần

Tại hội thảo, GS, TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ, hội thảo là cơ hội để kết nối các chuyên gia trong cả nước và quốc tế về hội tụ nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức đối với bệnh ung thư (là phương pháp điều trị có sử dụng nhiều hơn một loại thuốc hoặc phương thức. Thông thường, các phương pháp có thể kết hợp trong điều trị ung thư như: Phẫu thuật; xạ trị; hóa trị; toàn thân; liệu pháp đích) góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn cho chuyên ngành điều trị ung thư để đóng góp nhiều hơn trong công tác kiểm soát ung thư...

(Theo www.qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202410/so-nguoi-mac-ung-thu-moi-o-viet-nam-van-o-muc-cao-1025290/