Số người tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp giảm nhẹ
Trong cuộc biểu tình toàn nước Pháp ngày 28/3 nhằm phản đối dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của Tổng thống Emmanuel Macron, hàng trăm nghìn người đã tràn xuống đường, tuy nhiên con số này đang có dấu hiệu suy giảm.
Kể từ giữa tháng 1, nhiều người dân đã bày tỏ sự phản đối với dự luật nâng tuổi nghỉ hưu của chính phủ Tổng thống Macron. Các cuộc biểu tình sau đó gia tăng đáng kể do chính phủ sử dụng điều 49.3 để thúc đẩy dự luật thông qua Quốc hội mà không cần bỏ phiếu.
Trong ngày biểu tình lớn hôm 23/3 trước đó, hơn 1 triệu người đã xuống phố tuần hành và có nhiều trường hợp đụng độ với cảnh sát đã diễn ra. Theo Reuters, những người theo chủ nghĩa vô chính phủ "Black Bloc" đã đập phá cửa sổ các cửa hàng, phá hủy các bến xe buýt và lục soát một nhà hàng McDonald's ở Paris trong khi những hành động tương tự cũng xảy ra ở các thành phố khác.
Đây là một trong những vụ bạo lực đường phố tồi tệ nhất trong nhiều năm ở Pháp và nó gợi nhớ đến các cuộc biểu tình của phong trào Yellow Vest trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Macron.
Tuy nhiên tới 28/3, các cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa hơn dù các cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi. Các nhóm mặc đồ đen vẫn đốt thùng rác và ném đạn vào cảnh sát ở Paris, trong khi phía cảnh sát sử dụng hơi cay. Các cuộc đụng độ không chỉ xảy ra tại thủ đô mà còn ở các thành phố khác bao gồm Rennes, Bordeaux và Toulouse.
Cụ thể, tại thành phố Nantes phía tây, mặt trước của một chi nhánh ngân hàng BNP Paribas đã bị phóng hỏa. Một chiếc ô tô cũng bị đốt cháy bên lề cuộc biểu tình, trong khi một số bắn pháo hoa vào cảnh sát. Cũng ở miền tây nước Pháp, những người biểu tình đã chặn đường vành đai Rennes và đốt một chiếc ô tô bỏ hoang. Tại Paris và Marseille, những người biểu tình đã chặn đường ray xe lửa trong một khoảng thời gian.
Việc đi lại vẫn tiếp tục bị gián đoạn bởi các cuộc đình công liên tục trong lĩnh vực vận tải, hàng không và năng lượng. Tính tới 27/3, có khoảng 17% các trạm nhiên liệu ở Pháp thiếu ít nhất một sản phẩm theo hiệp hội xăng dầu của Pháp UFIP trích dẫn dữ liệu của Bộ năng lượng Pháp.
Tuy nhiên, cuộc biểu tình ngày 28/3 ghi nhận một số sự suy giảm trong số lượng người tham gia. Tại thủ đô Paris, những nhân viên thu gom rác cho biết sẽ tạm dừng cuộc đình công kéo dài hàng tuần khiến những con đường xung quanh các địa danh nổi tiếng ngập tràn rác.
Ngoài ra, số lượng giáo viên tham gia đình công cũng ít hơn những ngày trước. Theo các nhà lãnh đạo công đoàn, lạm phát cao khiến người lao động gặp khó khăn khi phải hy sinh một ngày lương để biểu tình.
Trên thực tế, số liệu từ Bộ Nội vụ Pháp cho thấy có khoảng 740.000 người đã tham gia biểu tình trên toàn quốc ngày 28/3, thấp hơn mức kỷ lục 1,09 triệu của ngày 23/3 trước đó. Số người tham gia biểu tình ở Paris cũng thấp hơn kỷ lục của tuần trước nhưng cao hơn hoặc bằng với các cuộc biểu tình trước đó kể từ tháng 1 đầu năm.
Ở một diễn biến khác, các cuộc đàm phán giữa chính phủ và người lao động không có nhiều tiến triển. Trong cùng ngày, chính phủ Pháp đã từ chối yêu cầu của các công đoàn về việc đình chỉ và xem xét lại dự luật lương hưu, khiến các lãnh đạo công đoàn tức giận và cho rằng chính phủ phải tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Chính phủ cho biết sẵn sàng đàm phán với các công đoàn nhưng không phải về chủ đề tạm dừng và xem xét lại kế hoạch lương hưu, đồng thời khẳng định sẽ giữ vững lập trường về lương hưu. Cuộc biểu tình toàn quốc tiếp theo sẽ được lên kế hoạch ngày 6/4 trong khi Thủ tướng Elisabeth Borne đã đề nghị gặp các công đoàn ngày 3/4 và 4/4 tới.
Phản ứng trước thái độ này của chính phủ, một người biểu tình tại Paris đã giơ biểu ngữ có nội dung “nước Pháp đang tức giận”. Reuters trích dẫn Fanny Charier, một nhân viên tại văn phòng Pole Emploi dành cho người tìm việc, cho biết trong cuộc biểu tình ngày 28/3: “Dự luật đã đóng vai trò là chất xúc tác cho sự tức giận đối với các chính sách của Macron.
Trong khi đó, ông Laurent Berger, người đứng đầu công đoàn CFDT, khẳng định trước cuộc biểu tình ở Paris rằng người lao động “đã đề xuất một lối thoát” nhưng “thật không thể chấp nhận được khi chúng tôi lại bị cản trở một lần nữa”. Chính trị gia Charles de Courson từ đảng Liot đối lập lại tuyên bố chính phủ Pháp nên học hỏi từ tình hình ở Israel, nơi cải cách tư pháp vừa bị dừng lại.