Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị: Hiệu quả từ thực hiện cam kết trách nhiệm
Vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực; trong đó nổi bật là việc thực hiện cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu với BTV Tỉnh ủy với nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đăng ký với BTV Tỉnh ủy tập trung thực hiện 3 nội dung nổi bật là tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025; tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa các nguồn lực để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành năm 2020 đạt từ 4-4,5%; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để triển khai các nội dung cam kết có hiệu quả, đúng tiến độ, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm; đề ra các chỉ tiêu cụ thể; xác định thời gian, lộ trình hoàn thành; phân công trách nhiệm cụ thể cho thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở. Định kỳ tiến hành đánh giá kết quả, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở những nội dung cam kết, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng khung đánh giá cán bộ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo một cách khách quan. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nâng cao tính hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần vào thành công chung trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thực hiện cam kết với BTV Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật mới trong lĩnh vực trồng trọt; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao; tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước và mở rộng trên đất màu sang các cây trồng cạn như ngô, lạc, rau màu các loại. Đồng thời, tăng cường xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua nông sản cho nông dân; tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Các liên kết trong sản xuất chăn nuôi đã góp phần đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho các thành viên tham gia liên kết, đáp ứng được nhu cầu sản phẩm lớn và chất lượng cho thị trường. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như Biogas, đệm lót sinh học, tự động hóa…đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe khẳng định, thông qua việc thực hiện cam kết trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị bám sát những nội dung đã cam kết, triển khai tích cực, có nhiều sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như quy mô các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh vẫn còn phân tán, chưa được quy hoạch, định hướng cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn và thường xuyên xảy ra. Công tác quản lý chất lượng giống cây, con, môi trường nuôi, dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, cơ sở còn bất cập. Tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản chưa xứng với tiềm năng. Kinh tế hợp tác chưa phát huy được vai trò, chưa thích ứng với cơ chế thị trường; quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa… Do vậy, năm 2021, phát huy cách làm, kinh nghiệm của những năm trước, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất 3 nội dung cam kết với BTV Tỉnh ủy là chủ động phòng, chống thiên tai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp thắng lợi; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, nhất là các giải pháp chống khai thác IUU; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng nguyên liệu phục vụ mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung.
Theo ông Hồ Xuân Hòe, để thực hiện thành công các nội dung cam kết trên, trước mắt, ngay trong vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai; chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực cho công tác tổ chức sản xuất, cơ cấu giống phù hợp; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp. Tiếp tục chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hình thành các vùng chuyên canh tập trung và sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa. Xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao của tỉnh. Tiếp tục triển khai rà soát, chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến tận hộ nông dân để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc rừng; khai thác gỗ rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ một cách hợp lý và bền vững. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh việc trồng rừng theo tiêu chuẩn, tiêu chí FSC. Xây dựng các mô hình chuyển hóa rừng trồng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn; mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và chứng chỉ rừng; xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho các hộ gia đình trồng rừng quy mô nhỏ. Tập trung, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lâm nghiệp, tạo động lực, đòn bẩy để phát triển lâm nghiệp. Tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU như kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời cảng và cập cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đánh dấu tàu cá. Đảm bảo không có tàu cá và ngư dân Quảng Trị vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm áp lực khai thác vùng ven bờ, khôi phục nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.