'Số phận' 28ha đất vàng bãi biển đẹp nhất Vũng Tàu bị 'xài chùa' suốt 27 năm sẽ thế nào?
TP. Vũng Tàu sẽ thu hồi, tháo dỡ công trình của các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên diện tích 28 ha đất bãi biển Thùy Vân trong tháng 3/2022.
UBND TP Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp, nghe Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Vũng Tàu báo cáo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 28 ha “đất vàng” ở bãi tắm Thùy Vân. Diện tích này thuộc bãi biển Thùy Vân (còn gọi là bãi Sau), kéo dài 3km từ cổng khu du lịch Paradise đến đường Phan Chu Trinh.
28 ha đất bãi biển Thùy Vân bị nhiều doanh nghiệp lớn "xí phần" nhiều năm qua. Ảnh: Lê Giang.
Bài liên quan
Những "ông lớn" nào đang "chia phần" 28 ha đất vàng bãi biển Thùy Vân tại Bà Rịa - Vũng Tàu?
Ba năm sau thanh tra, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa thu hồi được 28 ha đất bãi tắm Thùy Vân
Gần 13.000 m2 đất vàng thành phố Vũng Tàu bỏ hoang 16 năm vì dự án treo
Hiện trạng 28ha đất vàng bãi biển Thùy Vân sau quyết định thu hồi của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cận cảnh những sai phạm nghiêm trọng tại khu du lịch bến du thuyền Vũng Tàu Marina
Đây cung đường du lịch biển nổi tiếng của TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), tập trung hàng loạt công trình khách sạn sang trọng, resort, nhà hàng, dịch vụ du lịch cao cấp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Vũng Tàu yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố lập biên bản yêu cầu các doanh nghiệp đang sử dụng diện tích thuộc 28 ha này cam kết bàn giao mặt bằng theo quy định, thời gian hoàn thành trước ngày 11/2.
Tham mưu để TP Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo sở ngành liên quan ngừng cấp phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp theo quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh kể từ sau ngày 28/2.
Thành phố Vũng Tàu sẽ thu hồi mặt bằng, buộc các doanh nghiệp phải bàn giao hạ tầng dọc khu vực bãi tắm Thùy Vân trước ngày 15/3.
Trước đó, tháng 11/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế tỉnh và UBND TP Vũng Tàu giải quyết hiện trạng khu đất 28 ha bãi biển Thùy Vân.
Trong đó giao Thanh tra tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh giải quyết đơn khiếu nại, kiện nghị của các doanh nghiệp đang sử dụng đất tại đây. Đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất - hạ tầng sau kết luận thanh tra đã ban hành.
Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm thu tiền thuê đất phát sinh từ tháng 1/2018 đến thời điểm tháng tháng 8/2021 và những nghĩa vụ tài chính khác.
Các Sở Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng và UBND TP Vũng Tàu nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp bàn giao mặt bằng để TP Vũng Tàu triển khai chỉnh trang đô thị theo quy hoạch 1/500; Lập phương án sử dụng đất nhằm đưa quỹ đất này vào khai thác đối với các dự án trọng điểm.
Như Nhà báo & Công luận đã nhiều lần thông tin, ngày 9/4/1996, UBND tỉnh BRVT ban hành quyết định giao cho Công ty Đầu tư Xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty VRC) làm chủ đầu tư bãi tắm Thùy Vân. Đến 1/11/1996, tỉnh ra quyết định phê duyệt dự án khả thi bãi tắm Thùy Vân.
Quy mô toàn tuyến dự án dài 3.000 m, diện tích 30 ha bao gồm cả phần cát bãi tắm là 6,7 ha. Tổng vốn đầu tư hơn 180 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù giải tỏa 24,6 tỷ đồng, xây dựng hạ tầng 61,7 tỷ đồng, xây dựng công trình gần 64 tỷ đồng và chi phí khác hơn 30 tỷ đồng. Thời hạn thuê đất là 50 năm.
Từ đó đến nay trên 28 ha đất bãi biển Thùy Vân, hàng trăm khách sạn, nhà hàng, hồ bơi, dịch vụ du lịch đã được xây dựng của nhiều doanh nghiệp mọc lên.
Theo KLTT số 261 ngày 17/9/2018 do ông Quách Hữu Phước - Chánh thanh tranh tỉnh BRVT ký về tình hình thực hiện nghĩa vụ tiền thuê đất giai đoạn 30/11/1996 - 30/12/2005, Công ty VCR phải kế thừa nghĩa vụ nộp tiền thuê đất hơn 16,4 tỷ đồng thay cho Công ty Xây lắp.
Trong giai đoạn từ 1/1/2006 - 31/12/2017, Cục Thuế tỉnh xác định tiền thuê đất khu vực bãi tắm Thùy Vân mà 9 doanh nghiệp phải nộp sau khi đã trừ đi diện tích bãi cát là gần 310 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng các khu du lịch, resort, khách sạn đẳng cấp trên diện tích 28 ha nhưng đa số không phép, trái phép, không đóng tiền thuê đất - thuê hạ tầng suốt nhiều năm. Ảnh: Lê Giang.
Các doanh nghiệp được “nêu tên” trong KLTT số 261 giai đoạn này gồm Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC phải nộp hơn 20,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam hơn 13,1 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khách sạn Du lịch Tháng Mười hơn 39,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Janhold-OSC gần 4,5 tỷ đồng;
Công ty Cổ phần Du lịch Tỉnh gần 95 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch Nghinh Phong hơn 29 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại DIC gần 50,2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Vũng Tàu gần 34,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hải Dương gần 24 tỷ đồng.
Sau đó, UBND TP Vũng Tàu, Cục Thuế tỉnh cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức 2 buổi họp với 9 doanh nghiệp này để bàn biện pháp, vận động các doanh nghiệp nộp tiền thuê đất theo quy định nhưng các doanh nghiệp không đồng ý số tiền nợ thuê đất và không thảo luận về phương án nộp số tiền này.