Số phận hai lô 'đất vàng' giữa lòng Thủ đô của Đường sắt Việt Nam đi về đâu?
Thanh tra Chính phủ từng chỉ rõ Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đấu thầu tại 2 thửa đất giáp nhau số 80 Lý Thường Kiệt (717,4m2) và 22 Phan Bội Châu (261m2).
Liên quan đến hai lô “đất vàng” giữa Thủ đô Hà Nội, ngày 3/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết quả xử lý sau thanh tra về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: 'Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực theo thông báo số 165/TB-VPCP năm 2018 liên quan đến việc góp vốn của Đường sắt Việt Nam tại khu đất 80 Lý Thường Kiệt - 22 Phan Bội Châu (Hà Nội). Đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước, nếu không chấp hành nghiêm sẽ chuyển cơ quan chức năng xem xét hình sự'.
Tới ngày 4/7, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng.
Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, Vụ Tài chính, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp tham mưu cho bộ xử lý các vấn đề liên quan đến góp vốn của Đường sắt Việt Nam tại hai lô đất nói trên.
Thanh tra Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản tại Đường sắt Việt Nam.
Trước đó năm 2016, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về chấp hành quy định pháp luật về việc sử dụng vốn, tài sản của Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.
Kết luận thanh tra nêu rõ, Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn thực hiện trái chủ trương quy định để hợp thức hóa chuyển nhượng tài sản kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu tại 2 thửa đất giáp nhau số 80 Lý Thường Kiệt (717,4m2) và 22 Phan Bội Châu (261m2).
Đường sắt Việt Nam không xây dựng phương án lập pháp nhân mới nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Hà Thành.
Quá trình góp vốn Đường sắt Việt Nam đã quyết định giá trị góp vốn là 47 tỷ đồng thiếu cơ sở. Trong khi đó đơn vị thẩm định giá trị tài sản góp vốn là 67,449 tỷ đồng. Đáng chú ý sau khi góp vốn, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến thua lỗ.
Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)