Số phận long đong của siêu tàu sân bay từng là niềm tự hào nước Anh
Là tàu sân bay duy nhất và cũng là soái hạm của Hải quân Hoàng gia Anh, HMS Elizabeth từng được kỳ vọng trở thành niềm tự hào nước Anh nhưng cuối cùng liên tục gặp sự cố, mới nhất là vụ cháy khi tàu đang neo đậu.
Từ sức mạnh biểu tượng...
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (biệt danh Big Lizzie) được Hải quân Anh đặt hàng đóng vào ngày 20/5/2008 và chính thức được đưa vào biên chế Hải quân nước này ngày 7/12/2017. Đây là siêu chiến hạm trị giá tới 3 tỷ USD và sở hữu những thông số cực kỳ ấn tượng được kỳ vọng trở thành biểu tượng của Hải quân Hoàng gia Anh trong hiện tại và tương lai.
Cụ thể, HMS Queen Elizabeth có chiều dài lên đến 280m gấp 2,5 lần chiều dài một sân bóng đá tiêu chuẩn và thậm chí dài hơn chiều dài tòa nhà Quốc hội Anh. Phần thân tàu rộng 70m đủ sức chứa 4 chiếc máy bay chở khách xếp ngang nhau. Tàu có chiều cao 50m tương đương chiều cao của 11 chiếc xe bus xếp chồng lên nhau.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được trang bị 2 động cơ turbine khí Rolls-Royce Marine Trent MT30 công suất 36 Megawatt và 4 động cơ diesel Wärtsilä 38 mỗi động cơ có công suất 11,6 Megawatt. Trong đó, động cơ Rolls-Royce Marine Trent MT30 được đánh giá là mẫu động cơ turbine khí mạnh nhất thế giới hiện tại.
Là soái hạm của nước Anh nên HMS Queen Elizabeth cũng sở hữu rất nhiều vũ khí hiện đại có khả năng áp chế đối phương mạnh mẽ như hệ thống pháo cận chiến Phalanx được điều khiển bằng radar S1850M có khả năng tự động phát hiện, theo dõi được tới 1.000 mục tiêu là tên lửa hoặc máy bay của đối phương ở khoảng cách 400km và tiến hành đánh chặn bằng pháo 20mm M61A1 với khả năng bắn 4500 viên đạn/phút. Hệ thống radar S1850M cũng có khả năng phát hiện tốt các mục tiêu sử dụng công nghệ tàng hình tiên tiến nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, HMS Queen Elizabeth còn có thể mang theo một phi đội tối đa lên đến gần 40 chiếc siêu chiến đấu cơ F-35B thế hệ thứ 5 với những tính năng cực kỳ tối tân và mạnh mẽ như khả năng tàng hình, cơ động linh hoạt cùng những cảm biến công nghệ cao cũng như hệ thống thu thập thông tin theo thời gian thực hỗ trợ tối đa cho phi công trong quá trình chiến đấu cũng như phối hợp tác chiến. Đây cũng là mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm có khả năng vận hành trong mọi điều kiện thời tiết có thể tấn công máy bay địch và cả những mục tiêu trên mặt đất.
Ngoài ra, siêu tàu sân bay HMS Queen Elizabeth còn có bãi đáp trực thăng có thể tiếp nhận nhiều loại trực thăng của Hải quân Anh và các nước đồng minh như trực thăng săn ngầm Merlin MK1, trực thăng tấn công Agusta Westland Apache và trực thăng vận tải hạng nặng Chinook. Tàu có thể đạt tới vận tốc 59km/h và tầm hoạt động lên tới 19.000km.
Trên trang web chính thức, Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định HMS Queen Elizabeth là để “đầu tư cho vị thế, sự phồn vinh và an ninh của nước Anh trên toàn thế giới. Tàu mang đến sự hiện diện rõ rệt trên bình diện thế giới, gửi đi một thông điệp rõ ràng nhằm trấn an đồng minh và thách thức những kẻ dám gây tổn hại đến chúng ta.
Bên cạnh việc trở thành sức mạnh răn đe mạnh mẽ và biểu tượng về tầm ảnh hưởng của nước Anh, HMS Queen Elizabeth đã thay thế HMS Ocean trở thành soái hạm của Hải quân Hoàng gia Anh, trung tâm chỉ huy của toàn bộ lực lượng Hải quân của chúng ta”.
... đến liên tiếp sự cố
Được kỳ vọng là vậy nhưng HMS Queen Elizabeth nhiều lần xảy ra sự cố, chưa thể hiện được vai trò của một soái hạm và vụ cháy tàu gần đây nhất chỉ là một ví dụ điển hình.
Những sự việc đó khiến giới quan sát và các chuyên gia phải đặt câu hỏi liệu HMS Queen Elizabeth có thực sự đáng gờm hay chỉ là “con hổ giấy”.
Trước đó, tờ Frontier India hồi tháng 10/2023 đã đặt dấu hỏi về việc tại sao tàu HMS Queen Elizabeth chỉ mang theo 8 chiến đấu cơ F-35 tham gia cuộc tập trận ở vùng biển Bắc Âu với các đồng minh NATO. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức tối đa lên đến gần 40 chiếc F-35 mà siêu tàu sân bay này có thể mang theo.
Tờ báo Ấn Độ nhận định, điều này cho thấy sức mạnh của Hải quân Anh trên toàn thế giới đã bị giảm sút đáng kể và Anh đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại vị thế hàng đầu của Hải quân nước này trên toàn thế giới. “Có cảm giác Hải quân Anh đang bị thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng và vấn đề này ngày càng sâu sắc”, tờ báo Ấn Độ đánh giá.
Thậm chí tờ báo này còn cho rằng, dù sở hữu hàng loạt vũ khí tối tân bao gồm các tàu khu trục, khinh hạm, hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân chiến lược nhưng tình trạng của các loại vũ khí này đang gặp vấn đề nghiêm trọng bởi Anh không còn đủ ngân sách để duy trì sức mạnh.
Ngay đầu tháng 2 này, tờ Business Insider dẫn lời Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, đã quyết định rút tàu HMS Queen Elizabeth khỏi cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ Thế chiến 2 “vào phút chót” với lý do phát hiện lỗi khiến tàu không thể ra khơi.
Đáng chú ý, đây là cuộc tập trận mà tàu HMS Queen Elizabeth dự kiến nắm quyền chỉ huy nhóm 8 tàu chiến hiện đại nhất của NATO đến từ các nước Mỹ, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Bản thân Anh cũng đóng góp tới 20.000 quân cho cuộc tập trận này.
Trước đó, năm 2019, tàu cũng gặp sự cố kỹ thuật khiến tàu hoạt động mà “không có động cơ đẩy”. Sau đó, tàu phải neo đậu ngoài khơi Trường Hải quân Hoàng gia Anh trong vòng 24h để sửa chữa. Đến năm 2021, một trong những chiếc máy bay chiến đấu F-35B mà tàu mang theo gặp sự cố rơi xuống Địa Trung Hải.
Sir Richard Barrons, cựu Tư lệnh Lục quân Anh nhận định: “Đang có sự bất tương xứng giữa tham vọng và năng lực thực tế của quân đội Anh. Chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột mà không thể duy trì sự hiện diện của mình và điều này sẽ phơi bày hết những điểm yếu về chiến lược”.
Tờ Independent dẫn lời Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh cũng cho rằng, quân đội Anh đang “bị kéo giãn quá mức” và chịu “áp lực liên tục” trong việc duy trì sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mình trong NATO và với các đồng minh cũng như các đối thủ.