Số sinh viên tự thành lập doanh nghiệp ngày càng nhiều
Đó là nhận định của chuyên gia giáo dục về xu hướng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Việt Nam.
Ngày 11/12, Trường ĐH Hà Nội tổ chức Tọa đàm tổng kết Dự án với chủ đề "Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam".
Tọa đàm nhằm tổng kết hoạt động của Dự án sau 4 năm triển khai, tuyên truyền, lan tỏa nền tảng giám sát xu hướng việc làm và các sản phẩm nghiên cứu của Dự án.
Tọa đàm cũng là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia với những tham luận đánh giá chất lượng, những khuyến nghị cho các hoạt động giám sát tình trạng việc làm của người tốt nghiệp.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Bùi Tiến Dũng – chuyên viên Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) viện dẫn Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT ngày 23/5/2022 "Quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục" (Thông tư 07) có hướng dẫn về nhiệm vụ của tư vấn nghề nghiệp, việc làm đối với cơ sở giáo dục đại học. Trong đó yêu cầu 4 nhiệm vụ, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin việc làm, tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm nghề nghiệp, việc làm; thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Thứ hai là đào tạo, bồi dưỡng giúp sinh viên rèn luyện, phát triển các kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, quản lý cảm xúc và các kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm.
Thứ ba, hỗ trợ sinh viên trải nghiệm, làm quen với công việc thực tế tại đơn vị đối tác; hướng dẫn sinh viên tham gia việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập và theo quy định của nhà trường.
Thứ tư, công bố thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp; cập nhật dữ liệu thống kê việc làm của sinh viên vào phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT.
"Kết quả Dự án trên và Thông tư 07 có liên quan mật thiết", ông Bùi Tiến Dũng nhìn nhận và cho biết, sinh viên tự thành lập doanh nghiệp, tạo ra doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhiều. Điều này cho thấy, xu thế dịch chuyển việc làm từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp tư nhân có chiều hướng gia tăng.
Qua đây, đặt vấn đề cho các cơ sở đào tạo về việc cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, để các em có thể thành lập doanh nghiệp; tự tạo việc làm cho bản thân và người khác. "Trước đây, sinh viên đi xin việc, nay chuyển sang tâm thế tìm việc", ông Bùi Tiến Dũng nhấn mạnh.
Nhận xét về Dự án với "Giám sát xu hướng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam", ông Bùi Tiến Dũng ghi nhận, dù thời gian triển khai dự án không nhiều nhưng đã thu được kết quả nhất định và nhận được sự đồng thuận cao của cơ sở giáo dục đại học. Sau khi kết thúc dự án, các cơ sở đào tạo có thể thành lập mạng lưới, tiếp tục kết nối với nhau. Hằng năm, có tổng kết, đánh giá, thống kê việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Từ đó có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, 4 năm qua, các đơn vị tham gia dự án đã tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên; đồng thời tăng cường sự hiểu biết, nâng cao khả năng làm việc cho sinh viên.
Dự án đã duy trì và cam kết thành lập trung tâm liên trường đại học để theo dõi quá trình chuyển đổi từ sinh viên tốt nghiệp đại học sang thị trường lao động. Đây được coi là công cụ đổi mới để hỗ trợ cải cách quản trị và hoạch định chính sách trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trào, cạnh tranh toàn cầu về nhân tài, dịch chuyển học thuật, hợp tác nghiên cứu quốc tế, du học và sự tham gia của sinh viên tốt nghiệp vào thị trường việc làm ở nước ngoài đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học.