Sở Tài nguyên và Môi trường: Giúp nhanh mở ra không gian phát triển
Trong khi các tỉnh có cao tốc đi qua bị hàng loạt sai phạm thì Bình Thuận, việc triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản phù hợp theo quy định, ngoại trừ việc giải quyết 1 hồ sơ đất đai có chậm vài ngày do khách quan. Thành quả đó có công rất lớn từ Sở Tài nguyên và Môi trường.
Gỡ vướng trước giờ G
Tờ lịch cuối năm 2023 kết thúc cũng là khi kết quả kinh tế - xã hội của năm ở tỉnh nổi rõ, tạo sự khác biệt với chính Bình Thuận của năm 2022 và cũng sáng dần lên trong xếp vị trí với các tỉnh, thành. Nguyên nhân dẫn ra trước tiên là nhờ có 2 tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo đưa vào hoạt động từ dịp lễ 30/4, đã tháo gỡ “điểm nghẽn” giao thông đối ngoại. Nhưng để các phương tiện lăn bánh nhanh trên cao tốc ấy, trong thời gian thi công 2 tuyến, việc thiếu đất nền là vấn đề nóng, tỉnh phải giải quyết trong nhiều ngày, nhiều tháng. Nguyên nhân do công tác tư vấn thiết kế không sát thực tế, dẫn đến khi dự án đã khởi công hơn 4 tháng thì các nhà thầu báo cáo thiếu nguồn vật liệu, chất lượng và cự li một số mỏ đã có trong thiết kế không phù hợp để phục vụ cho dự án. Khi tháo gỡ thì vướng thủ tục trong cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, cấp phép lại cho 6 mỏ vật liệu đất đắp và nhiều vấn đề phát sinh khác, trong khi thời hạn cao tốc phải thông xe đã xác định là 30/4/2023.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo
Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tham mưu UBND tỉnh để giải quyết những vấn đề trên đã tập trung ngay lúc đầu nhưng không bị cuốn vào tiến độ thời gian chủ đầu tư, nhà thầu hối thúc, mà áp dụng các luật có liên quan, tìm ra điểm mâu thuẫn, chưa hợp lý rồi đề xuất, kiến nghị các bộ và Chính phủ tháo gỡ.
Chính phủ đã ban hành các nghị quyết đặc thù, trong đó có Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 1/4/2023 thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành 5 quyết định cho phép nhà thầu tiếp tục khai thác khoáng sản tại 5 mỏ vật liệu đất đắp để thi công đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Kết quả, hai tuyến cao tốc đoạn qua tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng thời gian đã định.
Điều đáng chú ý, sau đó Thanh tra Chính phủ đã thanh tra công tác cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ thi công các tuyến đường cao tốc tại một số tỉnh khu vực phía Nam. Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 1896/KL-TTCP, theo đó các chủ đầu tư, các tỉnh có cao tốc đi qua bị hàng loạt sai phạm, bắt buộc phải kiểm điểm xử lý cá nhân và chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền (nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm). Riêng Bình Thuận được kết luận việc triển khai các thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản phù hợp theo quy định của pháp luật, ngoại trừ việc giải quyết 1 hồ sơ đất đai có chậm vài ngày do khách quan. Thành quả đó có công rất lớn từ Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tại cuộc họp tổng kết ngành Tài nguyên và Môi Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đăng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 44/2014/NĐ-CP và Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT. Đồng thời tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác xác định giá đất cụ thể, mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng để đào tạo cán bộ có đủ năng lực, trình độ thực hiện công tác xác định giá đất cụ thể ở các địa phương.Vì hiện ở tỉnh đang có 46 dự án đang chờ xác định giá đất cụ thể.
Sản xuất vật liệu làm đường cao tốc
Có 1 quỹ đất vàng
Tương tự, việc san gạt tĩnh không với diện tích khoảng 16,7 ha thuộc phạm vi xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết và xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc có khối lượng dự kiến khoảng 271.204 m3 của Dự án đầu tư xây dựng sân bay quân sự Phan Thiết, trong quá trình giải quyết cũng vướng khu vực dự trữ titan, cần ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý do, khi Quân chủng Phòng không - Không quân có công văn kiến nghị vào tháng 5/2023 thì lúc đó, toàn bộ diện tích trên nằm trong ranh giới khoanh định dự trữ khoáng sản quốc gia (về titan) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014. Nhưng sang tháng 11/2023, Quyết định số 1277/QĐ-TTg về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được ban hành thay thế Quyết định số 645/QĐ-TTg thì diện tích trên có 2 điểm đã đưa ra ngoài khu vực dự trữ titan…
Biển Mũi Né
Đất ven biển Kê gà
Đầu tháng 12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn hướng dẫn UBND tỉnh về nội dung trên. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát kỹ, xác định cụ thể khu vực có diện tích 16,7 ha nêu trên có thuộc phạm vi Dự án sân bay Phan Thiết và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277, làm cơ sở để giải quyết việc san gạt tĩnh không Dự án “Đầu tư xây dựng sân bay quân sự tại Phan Thiết”. Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự hình thành sân bay quân sự và từ kết quả này cũng thúc đẩy cho sân bay dân dụng sớm xuất hiện, mở ra lối về Bình Thuận trên bầu trời.
Tài nguyên khoáng sản ven biển
Bên cạnh sân bay Phan Thiết, trên dải đất ven biển nối từ thị xã La Gi ra đến Tuy Phong có hàng trăm dự án đều ít nhiều dính đến titan khiến vùng đất này chưa thể phát huy hết tiềm năng vốn có. Như “mưa dầm thấm lâu”, Sở Tài nguyên và Môi trường sau những nỗ lực phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương, cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định số 1277/QĐ-TTg. Đây là sự kiện lớn đối với Bình Thuận, vì trữ lượng titan của tỉnh chiếm 92% sản lượng của cả nước. Với kết quả được điều chỉnh thành 12 khu vực dự trữ khoáng sản titan với tổng diện tích 558,87 km2và đã quy định cụ thể thời gian dự trữ các khu vực để làm cơ sở triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Bình Thuận thực sự đã có một không gian phát triển mới. Đó là cơ sở để thu hút các dự án có quy mô rất lớn ở vùng ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2023 là năm mà công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có những chuyển biến, tiến bộ, khi phải vừa tập trung khắc phục các tồn tại, thiếu sót theo kết luận của các cơ quan chức năng, vừa tập trung chỉ đạo tham mưu để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả nổi lên như công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt 137,1% kế hoạch năm; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp được 44,5 tỷ đồng/25,0 tỷ đồng đạt 178% kế hoạch năm; các điểm nhạy cảm về môi trường có sự chuyển biến tích cực; các công trình giao thông trọng điểm kịp thời được tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tiến độ thi công, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.