Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang: Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số

Nhằm thực hiện tốt công tác chuyển đổi số (CĐS), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm về CĐS trong các công tác chuyên môn của ngành ở năm 2023.Sở TN&MT xác định năm 2023 là 'Năm dữ liệu số', là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về CĐS với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Sở TN&MT chú trọng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin cho công chức, viên chức. Ảnh: YẾN KHA

Theo đó, ngành TN&MT tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ phát triển dữ liệu số thuộc các lĩnh vực của ngành phục vụ cho CĐS. Trong đó, ngành chú trọng tích hợp các hệ thống, liên thông, chia sẻ dữ liệu; phát triển dữ liệu số, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý TN&MT tỉnh Tiền Giang giúp cho việc quản lý, điều hành của ngành thông suốt và hiệu quả, đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng khai thác thông tin, khả năng kế thừa, tích hợp, sử dụng các kết quả của các cơ sở dữ liệu đã xây dựng.

Sở TN&MT đã cung cấp, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Sở, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai của tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã sẵn sàng kết nối.

Cơ sở dữ liệu ngành TN&MT kết nối, liên thông trên trục liên thông quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về: Dân cư, đất đai, môi trường, quan trắc, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, biển - hải đảo, giá đất… tiến tới xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở. Từ đó cung cấp cho xã hội những thông tin cần thiết trong lĩnh vực TN&MT, góp phần cùng tỉnh thực hiện thành công mô hình “Đô thị thông minh” tại TP. Mỹ Tho.

“Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục duy trì hoạt động có hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. Hằng năm, Sở sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ về ứng dụng công nghệ thông tin cho công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn hiện nay. Đồng thời, Sở thường xuyên tổ chức tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể về mục tiêu CĐS của ngành, rà soát tham mưu triển khai hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho ngươi dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường số cùng chữ ký số trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nhằm bảo đảm có thể sử dụng các loại giấy tờ này trên môi trường số mà không cần bản giấy”.

GIÁM ĐỐC SỞ TN&MT ĐOÀN VĂN PHƯƠNG

Đặc biệt, Sở TN&MT tổ chức vận hành hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu đất đai VBDLIS trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng, quản lý, lưu trữ và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, bao gồm cả giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Trung ương và địa phương.

Cùng với đó, Sở hoàn thành việc kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư (Đề án 06) với cơ sở dữ liệu ngành TN&MT nhằm giảm thủ tục hành chính khi người dân, doanh nghiệp giao dịch trên hệ thống Dịch vụ công.

Theo đánh giá của Sở TN&MT, CĐS là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, việc thực hiện cần có tầm nhìn xa, chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Theo đó, Sở TN&MT tập trung thực hiện nhiều nội dung về CĐS của ngàng trong năm 2023.

Cụ thể, Sở tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Tiền Giang đã được đầu tư xây dựng và vận hành trên Hệ thống quản lý đất đai VBDLIS kết hợp với Đề án 06 và công khai chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai (bản đồ địa chính số, thông tin thửa đất, thông tin cấp giấy chứng nhận, thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…) lên môi trường mạng nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu môi trường, phần mềm quản lý các điểm lấy mẫu được vận hành để quản lý giám sát hoạt động môi trường, khí thải, nước thải, nước mặt, nước biển, chất thải rắn, chất thải nguy hại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý chuyên môn của ngành.

Công tác theo dõi hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc nước thải tự động liên tục của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng thực tế phục vụ công việc chuyên môn hằng ngày tại Phòng Quản lý môi trường. Hiện tại, hệ thống đã truyền nhận tín hiệu quan trắc nước thải, khí của 12 trạm (gồm các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Heineken, Vạn Đức, Hùng Vương, Châu Âu, Gia Thuận 1, An An, Advancevn, Môi trường Tươi Sáng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang).

Thời gian qua, Sở TN&MT đẩy mạnh chuyển đổi số dữ liệu về quản lý TN&MT trên địa bàn tỉnh (Trong ảnh: Theo dõi bản đồ số điểm lấy mẫu nước ở huyện Cái Bè). Ảnh: Yến Kha

Đặc biệt, Sở TN&MT đang hoàn thành và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu TN&MT biển và hải đảo tỉnh qua WebGis và MobiGis (đồng bộ Cơ sở dữ liệu TN&MT biển quốc gia và Cơ sở dữ liệu biển địa phương của Bộ TN&MT tại địa chỉ http://data.vodic.vn).

Cùng với đó, Sở TN&MT còn xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 trên địa bàn tỉnh phải tuân theo Luật Đo đạc và Bản đồ, Nghị định 27 ngày 13-3-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ và cần phải đáp ứng các yêu cầu quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202305/so-tai-nguyen-va-moi-truong-tien-giang-thuc-hien-cac-nhiem-vu-trong-tam-ve-chuyen-doi-so-979836/