Sơ tán bệnh viện, trạm y tế ở vùng trũng có nguy cơ ngập nước khi bão số 3 đổ bộ

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, ngay sau khi kích hoạt phương án cấp cứu thảm họa trong vụ lật tàu du lịch, ngành Y tế địa phương cũng chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 3 như phương tiện xe cấp cứu, thuốc men, giường bệnh, sẵn sàng ứng trực cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong thời gian bão số 3 đổ bộ.

Bão Wipha (bão số 3) đang di chuyển nhanh vào biển Đông với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, có thể ảnh hưởng đất liền nước ta từ đêm nay 21/7 đến ngày 22/7.

Lúc 4h sáng nay, tâm bão số 3 đang cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 275km về phía đông. Dự báo trong hôm nay, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ.

Từ kinh nghiệm của cơn bão Yagi năm ngoái, các cơ sở y tế ở Quảng Ninh đều lên kế hoạch bảo vệ cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, hồ sơ bệnh án. Với các trạm y tế ở vùng có nguy cơ ngập lụt di dời những thiết bị trọng yếu để đảm bảo an toàn.

Xe cấp cứu ứng trực để đưa các nạn nhân vụ đắm tàu du lịch ở Quảng Ninh về bệnh viện.

Xe cấp cứu ứng trực để đưa các nạn nhân vụ đắm tàu du lịch ở Quảng Ninh về bệnh viện.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, đến sáng nay 21/7, có 2 bệnh nhân là nạn nhân của vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy đã chuyển về điều trị ở bệnh viện gần nhà.

Cháu H.N.M (10 tuổi, Hà Nội) điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào 10h sáng qua để gần nhà, tiện chăm sóc. Hiện sức khỏe của cháu tạm ổn định, đang điều trị viêm phổi bằng kháng sinh và hỗ trợ tư vấn tâm lý.

Trước tốc độ di chuyển của cơn bão số 3, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương và đơn vị y tế ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng cấp cứu 24/24h khi bão đổ bộ: Tổ chức trực chuyên môn, đảm bảo thu dung, điều trị nạn nhân do mưa lũ; không để gián đoạn công tác khám chữa bệnh; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, đặc biệt ở các khu vực nguy cơ cao.

Các địa phương phải chủ động sơ tán bệnh viện, trạm y tế ở vùng trũng, dễ ngập úng hoặc sạt lở; triển khai phương án bảo vệ tài sản, trang thiết bị y tế và hồ sơ bệnh án.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương phòng, chống dịch bệnh sau bão: Tăng cường vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và an toàn thực phẩm, giữ ổn định hoạt động khám chữa bệnh, đồng thời, báo cáo thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ về Bộ Y tế để tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kịp thời.

Bộ Y tế nhấn mạnh yêu cầu các thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc và giám đốc Sở Y tế khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo, đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng y tế trong mọi tình huống. Theo Sở Y tế Quảng Ninh, ngay sau khi kích hoạt phương án cấp cứu thảm họa trong vụ lật tàu du lịch, ngành Y tế địa phương cũng chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 3 như phương tiện xe cấp cứu, thuốc men, giường bệnh, sẵn sàng ứng trực cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong thời gian bão số 3 đổ bộ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/so-tan-benh-vien-tram-y-te-o-vung-trung-co-nguy-co-ngap-nuoc-khi-bao-so-3-do-bo-i775414/