SỔ TAY: 'Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe'?!

Thường thì bế giảng mang lại cảm xúc vui buồn lẫn lộn nhưng vui phải nhiều hơn buồn bởi sang trang mới; và nhờ nỗ lực, có thành quả thì mới sang trang.

Nhưng những ngày học sinh tạm biệt mái trường để nghỉ hè thì lại xảy ra quá nhiều chuyện gây tâm tư. Thái Bình: Học sinh mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa rước (lại bỏ quên!). Quảng Bình: Hiệu trưởng và phụ huynh đấu tố nhau ngay bục phát biểu lễ bế giảng chỉ vì chuyện mua tủ đồ cho học sinh. Hải Dương: Lùm xùm chuyện một học sinh ngồi nhìn cả lớp ăn liên hoan vì phụ huynh không đóng quỹ? Và đây đó rùm beng chuyện tại sao chỉ những học sinh tiêu biểu mới được mời dự bế giảng...

Tất cả đổ dồn lên vai ngành giáo dục. Cơ quan quản lý ngành này vốn đã quá tải, càng ngày càng gánh thêm sức ép tứ bề. "Cỗ máy cái" phải chịu trách nhiệm trước tiên, tất nhiên rồi. Nhưng gia đình và xã hội cũng phải thấu cảm và đồng hành với nhà trường, thay vì cố tình tìm sơ hở, sự cố của nhà trường để tung hê ra trước bàn dân thiên hạ, trong đó nhiều chuyện chẳng cần kiểm chứng sự thật đúng - sai thế nào.

Riêng vấn đề vì sao chỉ có những học sinh tiêu biểu mới được mời đi dự bế giảng (có nơi chọn học sinh xuất sắc) - đề tài này đã được báo chí, mạng xã hội, diễn đàn giáo dục mổ xẻ từ nhiều năm trước, không phải nay mới có. Cụ thể là, nói về lý, nguyên tắc công bằng trong giáo dục không cho phép làm như thế (nêu rõ tại điều 13 Luật Giáo dục 2019: Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục...); còn nói về tình, ứng xử như vậy cũng chưa đúng mực thước sư phạm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu trực tiếp qua nhiều nhà trường (chỉ mời học sinh tiêu biểu, có mở rộng tới học sinh giỏi đi dự lễ bế giảng), thì ban giám hiệu giãi bày: Do nhiều năm trước trường mời đủ mà học sinh đi dự ít quá, chắc vì năm học đã mãn, các em có tâm lý lười biếng; và do thành tích học tập chưa bằng chúng bằng bạn nên đa số các em không được phần thưởng thì tâm tư, quyết ở nhà.

Trong trường hợp trường mời đủ nhưng dự hay bỏ là do học sinh quyết định thì công tác tổ chức lễ bế giảng sẽ rơi vào thế bị động. Cho nên, chuyện tuy không lớn nhưng rất khó xử và dễ gây tổn thương.

"Thương ơi, năm tháng em thơ dại

Hoa phượng buồn chi mắt đỏ hoe".

(Mùa hạ chia xa - Trương Nam Hương)

Chỉ mong bắt gặp những ánh mắt đượm buồn của các em thuần bởi chia tay bè bạn, thầy cô, mái trường; chứ chẳng phải "đỏ hoe" do chứng kiến những chuyện thị phi đời thường không phù hợp với tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng!

Hương Ly

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/so-tay-hoa-phuong-buon-chi-mat-do-hoe-196240530205506896.htm