Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 10]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Camus Albert (1913-1960) là nhà văn hiện sinh chủ nghĩa

Camus Albert (1913-1960) là nhà văn hiện sinh chủ nghĩa

Camus Albert (1913-1960) là nhà văn hiện sinh chủ nghĩa, ông nhận Giải thưởng Nobel năm 1957. Tác phẩm chính: Đám cưới (1938, luận văn trữ tình, triết học), Người xa lạ (1942, tiểu thuyết), Huyền thoại Sisyphe (1942, luận văn triết học), Caligula (1944, kịch), Ngộ nhận (Le Malentendu, 1944, kịch), Dịch hạch (La Peste, 1947, tiểu thuyết).

Người xa lạ là tiểu thuyết nói lên cái vô lý của cuộc sống. Chuyện xảy ra ở Algeria thời Pháp. Người kể chuyện là Meursault, viên chức Pháp, một thanh niên lạ lùng, tự cảm thấy xa lạ với mình, với mọi người, với tất cả. Anh ta dửng dưng với mọi sự việc, cho là các hoàn cảnh sống đều như nhau, tùy thuộc vào ngẫu nhiên, không có gì mà phải ước ao hay thất vọng.

Anh chỉ sống trong giờ phút hiện tại, tùy theo đòi hỏi của bản năng và cảm giác. Khi đưa đám ma mẹ, anh nhìn quanh, nghe, hút thuốc lá, dửng dưng như mẹ người khác. Ai hỏi thì anh trả lời, anh lầm lì. Anh gặp cô bạn Marie, ngủ với cô, có vậy thôi. Anh giúp người láng giềng Raymond (Raymond coi anh ta là bạn), thế thôi, không suy nghĩ gì.

Raymond rủ anh và Marie đi nghỉ, ăn ở bãi biển. Có một bọn Arab đến gây sự. Sau đó, anh ra suối, chợt xuất hiện một người Arab trong bọn rút dao găm ra. Anh chẳng thù gì với người này, nhưng dưới ánh nắng gay gắt, trong cái nóng ngột ngạt, anh chợt thấy trong túi có khẩu súng lục của Raymond gửi. Anh rút súng bắn chết người Arab.

Có thế thôi. Vụ án tiến hành, anh chịu các thủ tục một cách dửng dưng. Anh không cảm thấy mình là thủ phạm, cũng không tìm cách bảo vệ mình. Căn cứ vào thái độ “kinh tởm” của anh khi đưa đám mẹ, Tòa kết án tử hình anh. Chỉ có vậy thôi!

Caligula là một vở kịch nói lên sự vô lý của phận người và của thế giới, sự nổi dậy điên rồ của một nhân vật tuyệt vọng và đau khổ trước sự vô lý ấy. Nhân vật chính là Caligula, vị Hoàng đế La Mã trẻ tuổi, đau khổ cực độ khi em gái mình chết.

Caligula phát hiện ra: “tất cả mọi người đều chết, họ đều đau khổ”; phận người thật vô lý. Caligula bỏ đi. Khi về triều, Caligula có một lập luận mới: “Người ta chết vì người ta có tội. Người ta có tội vì người ta là thần dân của Caligula.

Tất cả mọi người đều là thần dân của Caligula. Vậy thì mọi người đều có tội”. Caligula sẽ hành động thật logic để áp dụng lập luận vô lý ấy, không phân biệt thiện ác. Caligula có tự do tuyệt đối làm điều vô lý như cái Định mệnh vô lý, Caligula lao vào phá phách, chém giết một cách vô lý để chơi trò vô lý ấy. Caligula muốn bắt mọi người phải giác ngộ về cái vô lý của phận người, chống lại Định mệnh bằng cách chống lại chính bản thân Caligula.

Quần chúng cúi đầu hoan nghênh những hành động của Caligula, quý tộc bắt đầu nổi dậy. Nhưng rồi Caligula nhận thấy mình đi nhầm đường: phá hoại tất cả sẽ phá hoại cả mình, không thể thắng sự vô lý của thế giới bằng cách hành động tàn bạo chống lại mọi người. Caligula bỏ ý định điên cuồng, vô vọng, để mặc cho một âm mưu giết mình diễn ra.

Ngộ nhận là tác phẩm kịch nói lên sự “ngộ nhận” của con người về số phận của mình. Có một người mẹ và con gái là Martha sinh sống bằng nghề mở quán trọ ở một làng hẻo lánh trong một vùng khô cằn. Để thoát ly cuộc sống buồn tẻ ấy, họ giết những khách trọ đến lẻ. Cuối cùng, họ giết đúng Jan, con trai của gia đình, trở về nhà sau khi đi xa rất lâu để làm giàu. Bà mẹ không tiếp tục sống được sau khi biết là mình nhầm, bà bỏ đi. Cô gái tự treo cổ. Đây là tác phẩm biểu tượng của chủ nghĩa hiện sinh.

Nếu có Thượng Đế thì quả là sau khi tạo ra con người, Ngài đã bỏ rơi họ trong cô đơn. Người con trai không muốn cho mẹ và chị nhận ngay ra mình vì muốn tìm thấy tình âu yếm sâu hơn, trong khi mẹ và chị chỉ coi anh là một phương tiện để thoát ly mau hơn. Cô gái tưởng lầm là mình được hưởng hạnh phúc, cuối cùng thấy cô đơn vì người đồng hành và đồng phạm của mình bỏ đi theo người lạ mặt.

Cô tự tử không phải vì hối hận mà để phản kháng một thế giới không phù hợp với con người. Ngộ nhận ở đây là hoài bão tin vào tình yêu, hạnh phúc, trong khi số phận con người là cô đơn và lo âu khắc khoải.

Dịch hạch là tác phẩm quan trọng nhất của Albert Camus. Tiểu thuyết kể chuyện thành phố Oran ở Algeria bị nạn dịch hạch vào những năm 1940 do chuột mang lại. Các thầy thuốc đành chịu bó tay vì bệnh lây lan rất nhanh, người chết như ngả rạ. Thành phố đứt liên lạc với bên ngoài, như bị bao vây. Cuộc sống vẫn phải được tổ chức.

Xung đột nổ ra giữa mấy loại người: những người quá sợ đành chịu đựng, những người dũng cảm chống lại bệnh, những người tìm giải trí cho khuây, những người lợi dụng hoàn cảnh làm giàu. Nhưng rồi dịch bệnh lùi dần.

Cuốn tiểu thuyết kể một chuyện tưởng tượng có tính biểu tượng, phản kháng sự vô lý và bất công của phận người: con người chống lại số phận chỉ có những thắng lợi mong manh.

Người ta có thể nhận thấy trong Dịch hạch nhiều biểu tượng khác nhau: Chiến tranh thế giới thứ hai và thời kỳ Pháp bị Đức phát xít chiếm đóng, có thể là biểu tượng chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc, vì Camus là người Pháp sinh ra ở Algeria, lúc đó thuộc Pháp, cũng có thể là biểu tượng sự hoành hành của cái Ác (rõ nét qua cuộc thảo luận bên thây một đứa trẻ đã chết, giữa một linh mục và một người tốt vô thần).

Đồng thời, tác phẩm đề cao sự đoàn kết của những con người chống lại cái Ác.

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-10-168947.html