Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 37]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Nhà thơ và nhà viết kịch Musset Alfred.

Nhà thơ và nhà viết kịch Musset Alfred.

Musset Alfred (1810-1857) là nhà thơ và nhà viết kịch, tâm hồn lãng mạn, nhưng gần nghệ thuật cổ điển. Chủ đề: tình yêu – đau khổ nâng cao con người.

Tác phẩm chính: Thơ: Những đêm (Les Nuits, 1835-1837), Kịch: Lorenzacio (1834), Không nên giỡn với ái tình (On ne Badine pas avec l’Amour, 1834).

Những đêm là một chùm thơ dưới hình thức đối thoại trữ tình giữa nhà thơ (con người bị phản bội trong tình yêu) với nàng thơ (thi hứng sáng tạo), hoặc giữa nhà thơ với bản thân mình (phân thân).

Tác phẩm này thể hiện một cách mãnh liệt xúc cảm thầm kín của Musset và miêu tả sự tiến triển của một nội tâm, minh họa cho chủ đề: sự đau khổ nâng cao tâm hồn và là nguồn sáng tạo.

Đêm tháng Năm (1835): nàng thơ hiện lên, an ủi nhà thơ, khuyên nhà thơ hãy ca ngợi cái đau khổ của mình, nhưng không được.

Đêm tháng Chạp (1835): sự ám ảnh của cô đơn, cô đơn là thân phận của nhà thơ, mặc quần áo đen, hiện lên vào những lúc cay đắng.

Đêm tháng Tám (1836): nàng thơ trách nhà thơ vội hưởng những thú vui cuộc đời, đã vội quên nàng.

Đêm tháng Mười (1837): nhà thơ kể lại một mối tình, mới đầu tức giận, rồi sau dịu dần. Nàng thơ cho là đau khổ nâng cao con người. Nhà thơ vươn lên, tái sinh với ngày sắp sáng.

Không nên giỡn với ái tình là vở hài kịch ba màn: các yếu tố hài và lâm ly xen lẫn nhau, cái hài bị loại dần để tiến đến cái bi khi kịch hạ màn. Học xong đại học, chàng Perdican trở về lâu đài của cha là Nam tước. Cùng ngày ấy, Camille, em gái họ Perdican cũng học xong ở tu viện về.

Cha Perdican bố trí cho Perdican và Camille gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách để họ lấy nhau, vì hai cô cậu đã thân thiết với nhau từ bé. Nhưng Camille tỏ vẻ dè dặt vì cô đòi hỏi một tình yêu tuyệt đối; ở trường học, bạn cô ai cũng bảo là không tin được bọn đàn ông rất dễ thay lòng đổi dạ.

Thấy thái độ thờ ơ ấy, Perdican càng yêu Camille. Để đối phó, Perdican giả tỏ tình với một cô nông dân là Rosette, trong khi Camille trốn ở sau một gốc cây. Camille ghen, bảo Rosette là Perdican không yêu cô đâu; muốn chứng minh điều này, Camille bảo Rosette trốn sau rèm mà nghe.

Khi Camille gặp Perdican, hai người thú thật với nhau là họ yêu nhau tha thiết và ôm hôn nhau. Rosette rình thấy hết, ngã chết. Cái chết vĩnh viễn ngăn cách hai người còn sống.

* * *

Nhà viết kịch Pagnol Marcel.

Nhà viết kịch Pagnol Marcel.

Pagnol Marcel (1895-1974) là nhà viết kịch trào phúng, tình cảm và phong tục.

Tác phẩm chính: Topaze (1928), Marius (1928), Fanny (1929), César (1931).

Topaze là vở hài kịch trào phúng bốn màn, rất được hoan nghênh khi xuất hiện (hai năm liền diễn ở một rạp).

Đả kích chua cay bọn chính khách hủ hóa, bọn nhà báo làm tiền, lên án một xã hội lũng đoạn. Topaze, một giáo viên lương thiện và nhút nhát, dạy luân lý ở trường tư Muche. Ngờ nghệch, anh tin vào những câu châm ngôn đạo đức dán trong lớp. Anh vừa yêu vừa run Ernestine, con gái ông hiệu trưởng.

Một hôm, anh bị tống cổ đi vì tôn trọng công bằng: anh không bênh một học sinh phạm lỗi là con nhà giàu. Anh được Suzy, mẹ một học sinh cưu mang; Suzy là tình nhân của Castel Bénac, một chính khách kinh doanh có thế lực.

Tay này đang cần người đóng vai giám đốc bù nhìn của một hãng kinh doanh ma: Topaze được nhận việc làm. Topaze cũng học thói ma quái, chơi lại chủ và cuỗm cả Suzy của chủ. Topaze nhận được cả huy chương giáo dục, hiệu trưởng trường tư cũ đến gạ gả con gái cho Topaze.

Đối với Topaze, tiền là “sức mạnh cai trị thế giới”. Anh giảng như vậy cho các bạn đồng nghiệp dạy ở trường tư với anh trước kia. Thắng lợi của anh đượm mùi chua xót.

Fanny là vở hài kịch (ba màn) thứ hai trong bộ ba kịch về con người thành phố cảng Marseille. Marius, ham phiêu lưu, đã đi biển, để lại Fanny, người yêu đã có thai với mình. Ông Panisse, đã đứng tuổi, yêu Fanny từ lâu, tuy biết Fanny yêu Marius.

Ông đến hỏi Fanny, Fanny thú thật là đã có mang. Vốn tốt bụng, Panisse vẫn xin cưới để cứu vãn danh dự cô và gia đình, vì Marius phải 26 tháng nữa mới trở về. Cụ César, bố Marius tức lắm vì mất cháu đích tôn, nhưng cũng đành chịu. Khi Fanny đẻ con, cụ nhận làm cháu đỡ đầu và đặt tên nó là César.

Năm tháng trôi qua, Marius trở về, vẫn yêu Fanny. Anh hối hận vì đứa con đã vào tay người khác. Fanny và Marius gặp lại nhau, nhưng Fanny không muốn bội bạc người chồng đã thực sự thương mình. Vả lại, cụ César cũng khuyên con nên ăn ở cho phải nghĩa.

* * *

Perrault Charles (1628-1703) là người viết chuyện cổ tích dân gian. Tác phẩm chính: Truyện mẹ Ngỗng của tôi kể (Contes de ma Mère l’Oye, 1697).

Truyện mẹ Ngỗng của tôi kể là tập truyện nổi tiếng thế giới do Perrault sưu tầm và mới đầu xuất bản dưới tên con trai (10 tuổi).

Perrault không sáng tạo gì về cốt truyện (cổ tích của nhiều dân tộc), nhưng thành công do cách kể tự nhiên, đơn giản, chính xác, rất cổ điển.

Nhiều truyện trẻ con và người lớn nhiều nước đều biết: Hằng Nga ngủ trong rừng, Con yêu râu xanh, Chú mèo đi hia, Chú bé tí hon, Cô Lọ Lem...

HỮU NGỌC

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/so-tay-van-hoa-dong-tay-mot-thoang-van-hoc-phap-ky-37-197424.html