Sợ thất nghiệp, người dân thắt lưng buộc bụng, tăng trữ tiền mặt
Việc người Mỹ thắt chặt chi tiêu, tăng trữ tiền mặt là rủi ro cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ bởi tiêu dùng chiếm hơn 2/3 GDP nước này.
Theo CNN, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp, người dân nước này đang đẩy mạnh thắt lưng buộc bụng, tích trữ tiền mặt và giảm chi tiêu thẻ tín dụng do lo sợ mất việc.
Nợ thẻ tín dụng tại Mỹ bất ngờ đảo chiều trong tháng 3, giảm mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua. Đồng thời, tỷ lệ tiết kiệm cũng tăng lên mức chưa từng thấy kể từ thời Cựu tổng thống Ronald Reagan (nhiệm kỳ 1981 - 1989).
Những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng cho thấy sự xáo trộn chưa từng có mà đại dịch gây ra cho kinh tế Mỹ. Dù sự thận trọng đó là phản ứng dễ hiểu, nhưng đây là rủi ro cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, vốn phụ thuộc lớn vào chi tiêu tiêu dùng. Theo các nhà phân tích, sự phục hồi theo kiểu chữ V có thể sẽ không xảy ra nếu người tiêu dùng tiếp tục giữ chặt ví tiền của mình.
Người tiêu dùng thận trọng
Kể từ giữa tháng 3 đến nay, đã có hơn 33 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng thị trường việc làm Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi lại mức trước đại dịch.
"Người tiêu dùng đang rất thận trọng", Russell Price, nhà kinh tế trưởng tại hãng Ameriprise Financial, nhận định. "Chúng ta đang ở ngay tâm bão".
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 của Mỹ tăng vọt lên 14,7%. Nước Mỹ đang rơi vào cuộc khủng hoảng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ thời Đại khủng hoảng và người dân nước này đối mặt với nhiều khó khăn hơn ở phía trước.
Theo một cuộc khảo sát của Cục Dự trữ Liên bang New York (Fed New York) công bố hôm thứ Hai, xác suất mất việc làm của một người Mỹ trong 12 tháng tới đã tăng lên gần 21% trong tháng 4. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận mức xác suất này cao kỷ lục kể từ khi Fed New York bắt đầu khảo sát vào năm 2013.
Người lao động Mỹ cũng lo lắng làm sao để kiếm được công việc mới nếu mất việc. Xác suất tìm được việc làm mới trong vòng 3 tháng tới của một người Mỹ đã giảm 6,1 điểm phần trăm xuống còn 47% trong tháng 4, mức giảm trong tháng lớn nhất từ trước đến nay.
Cuộc khảo sát chỉ ra “sự suy giảm đáng kể” về thu nhập kỳ vọng và tăng trưởng chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ.
"Chúng tôi biết rằng dịch Covid-19 vẫn chưa đi qua", Danielle DiMartino Booth, CEO kiêm nhà chiến lược trưởng tại Quill Intelligence, cho biết. "Điều đó tiếp tục tạo ra những bất ổn và lo sợ, từ đó kìm hãm khả năng hay mong muốn chi tiêu của người tiêu dùng".
Hạn chế chi tiêu, tăng tích trữ tiền mặt
Những người Mỹ lo lắng đã bắt đầu mạnh tay hạn chế nợ thẻ tín dụng - hình thức vay tiền chi tiêu đắt đỏ nhất. Theo một báo cáo của Fed công bố vào tuần trước, trong tháng 3, dư nợ tín dụng quay vòng tại Mỹ đã giảm tới 31% - mức giảm một tháng lớn nhất kể từ tháng 1/1989.
Theo các chuyên gia kinh tế, một phần nguyên nhân của sự suy giảm này là các ngân hàng có động thái thu hẹp các kênh tín dụng của mình khi ngày càng nhiều người thất nghiệp vì dịch bệnh. Đồng thời, người tiêu dùng cũng bắt đầu chi tiêu dè dặt và kiểm soát chi tiêu thẻ tín dụng phòng khi bị mất nguồn thu nhập.
Khảo sát của Fed New York cho thấy xác suất một người không thể thanh toán số tiền tối thiểu cho khoản nợ thẻ tín dụng của mình trong vòng 3 tháng tới đã tăng lên 16,2% trong tháng 4, cao hơn mức trung bình 11,9% của 12 tháng qua.
"Người dân đang siết chặt quản lý chi tiêu. Không biết đến khi nào họ mới cảm thấy thoải mái khi tiêu tiền trở lại", chuyên gia Booth nhận định.
"Người tiêu dùng, vốn đóng góp chính cho nền kinh tế Mỹ, đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái xảy ra trong thời gian dài hơn so với những gì các nhà chức trách nói với họ", Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại hãng tư vấn RSM, nhận định.
Hiện tại, người Mỹ đang đẩy mạnh tích trữ tiền mặt để vượt qua cuộc khủng hoảng. Tỷ lệ tiết kiệm tại nước này đã tăng từ mức 8% trong tháng 2 lên 13,1% trong tháng 3. Đây là tỷ lệ tiết kiệm cao nhất kể từ tháng 11/1981. Theo các nhà phân tích, những tin tức tồi tệ về nền kinh tế có thể khiến tỷ lệ này tăng cao hơn nữa.
Giá tiêu dùng giảm mạnh
Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này đã giảm 0,8% trong tháng trước. Đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp và cũng là tháng có mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Các doanh nghiệp đóng cửa, lệnh phong tỏa yêu cầu người dân ở nhà nhằm kiểm soát dịch bệnh đã kéo tụt nhu cầu đối với năng lượng, vé máy bay, quần áo, bảo hiểm ô tô và hàng hóa dịch vụ khác. Theo đó, giá cả của các hàng hóa và dịch vụ này giảm mạnh.
Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy giá xăng trong tháng 4 tại nước này đã giảm 20,6% so với tháng trước. Tháng trước, lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô giao tương lai tại Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng. Nguyên nhân là nhu cầu năng lượng trên toàn cầu lao dốc vì dịch bệnh, cộng thêm cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia-Nga và nguồn cung dư thừa.
Không tính danh mục thực phẩm và năng lượng, chỉ số giá cơ bản tại Mỹ giảm 0,4% trong tháng 4, mức giảm tháng lớn nhất kể từ năm 1957. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo giá cả tiêu dùng giả tại Mỹ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, cho đến khi kinh tế Mỹ mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng là thách thức trong dài hạn đối với kinh tế Mỹ khi tiêu dùng chiếm tới hơn 2/3 GDP của nước này. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng kể cả sau khi các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, nhiều người Mỹ sẽ vẫn thắt chặt chi tiêu cho tới khi có vắc-xin chống Covid-19.
Trong tương lai gần, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi và người gặp khó khăn từ trước, có thể sẽ tránh xa các đám đông. Điều này có nghĩa là nền kinh tế không thể phục hồi trong một sớm một chiều.
"Kể cả các triệu phú cũng sẽ vẫn do dự khi tới nhà hàng, sân đấu bóng chày hay di chuyển bằng máy bay", chuyên gia Price của Ameriprise nhận định.