Sổ theo dõi sức khỏe: Cẩm nang hữu ích cho mẹ và bé
Với mong muốn trong tương lai gần, mọi thông tin về mẹ và con, từ thời kỳ mang thai đến khi trẻ 6 tuổi được lưu giữ duy nhất trong một cuốn sổ theo dõi sức khỏe, sau khi Bộ Y tế khởi động dự án, Thái Nguyên cũng đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Đây được coi như là nhật ký sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời là cuốn cẩm nang hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc tốt sức khỏe trước, trong và sau sinh.
Cuốn sổ nhỏ - Lợi ích lớn
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nông Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết, sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em (SKBMTE) đã được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên từ tháng 1 năm 2019 với 21.276 cuốn được cấp phát miễn phí ở 9 huyện, thành, thị.
Đây không chỉ là cuốn sổ theo dõi sức khỏe mà còn là cuốn cẩm nang phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, bà mẹ trẻ em và thành viên gia đình trong việc chăm sóc phụ nữ khi thai nghén, chăm sóc trong và sau sinh, theo dõi và chăm sóc trẻ em liên tục từ sơ sinh đến 6 tuổi, từ đó góp phần đáng kể vào việc chăm sóc, theo dõi cũng như nâng cao SKBMTE.
Sau khi triển khai sổ theo dõi SKBMTE đã thay thế cho nhiều loại sổ như: Sổ khám và theo dõi thai, sổ tiêm chủng trẻ em, sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe trẻ em, sổ tay dinh dưỡng…, cuốn sổ thực sự hữu ích đối với người sử dụng, tránh lãng phí thời gian ghi chép, theo dõi của cán bộ y tế, đồng thời cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho con.
Là một trong những người đã làm sổ, chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm Quyết Tiến, xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên cho biết, từ khi được nhận cuốn sổ chị đã tìm hiểu các nội dung trong cuốn sổ, trong đó có những biểu đồ theo dõi chiều cao, cân nặng, lịch tiêm chủng, hướng dẫn xử trí các bệnh mắc phải, tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ nhỏ, ghi chép khám sức khỏe thường kỳ của trẻ…
Theo chị Hoa, đây không chỉ là những nội dung thiết thực mà còn mang trong đó ý nghĩa cao đẹp của tình mẫu tử, nó lưu giữ như cuốn nhật ký cá nhân gắn liền với thời ấu thơ của mỗi đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.
Còn với chị Hứa Thị Hạnh ở xóm Thâm Găng, xã Tức Tranh, Phú Lương thì cho rằng, cuốn sổ theo sõi SKBMTE như là được trang bị kiến thức cơ bản để cá nhân chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân, bao gồm luyện tập thể thao, dinh dưỡng, vệ sinh hằng ngày cũng như việc dùng thuốc đúng cách và có trách nhiệm.
32.104 cuốn sổ đã đến tay các phụ nữ mang thai
Theo chị Vũ Thị Thủy ở xóm Bình An, xã Bình Long, Võ Nhai, đối với phụ nữ khi mang thai cũng như đối với bà mẹ trẻ em việc có kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng để duy trì một thai kỳ khỏe mạnh, ngăn ngừa biến chứng, bảo vệ sức khỏe của bé, nhận biết các tình huống khẩn cấp, cũng như đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển của thai kỳ, cho mẹ và bé.
Ví dụ uống bổ sung sắt và chăm sóc tiền sản trong cuốn sổ có hướng dẫn cụ thể, các bà mẹ khi nghiên cứu sẽ có kiến thức để giúp giảm nguy cơ biến chứng, từ đó giảm căng thẳng và lo lắng cho bản thân, giảm bớt áp lực công việc cho bác sĩ, đồng thời nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nói chung.
Đánh giá dự án, bác sĩ Hoàng Thị Minh Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai, dự án đã cung cấp 32.104 cuốn sổ đến các phụ nữ mang thai. Dự án đã thực sự giúp thay đổi rõ ràng kiến thức, thái độ và hành vi của phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, cán bộ y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhằm tiếp tục giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em xuống thấp hơn. Bên cạnh đó, cũng sẽ duy trì bền vững cũng như thu hẹp sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em giữa các địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề nguồn lực là vô cùng quan trọng đối với dự án, để sổ theo dõi SKBMTE có thể được triển khai mở rộng hơn nữa rất cần có sự hỗ trợ kinh phí từ nhiều đơn vị, ban ngành liên quan, trong đó sự quan tâm thiết thực, sự chỉ đạo cụ thể của các địa phương trong việc in sổ để có nhiều bà mẹ và trẻ em được chăm sóc, góp phần nuôi dưỡng một thế hệ tương lai lớn lên khỏe mạnh.