Sở TNMT Hà Nội nói gì về việc thu hồi đất tại Dự án Trường chất lượng cao Mùa Xuân ở Long Biên?
Liên quan đến việc áp dụng chính sách pháp luật trong thu hồi đất tại Dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân, Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) thành phố Hà Nội cho rằng, căn cứ để nhà nước thu hồi đất là để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế, cụ thể là phục vụ công cộng. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, căn cứ của Sở TNMT là không đúng với pháp luật về thi hành luật đất đai.
Như báo Gia đình và Xã hội đã thông tin nhiều bài viết trước đó, trong quá trình thu hồi đất để triển khai dự án Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, hàng trăm người dân đã viết đơn lên các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét lại chính sách thu hồi đất.
Theo Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 17/4/2012, Chủ tịch UBND quận Long Biên đã ban Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án: Xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại ô đất có kí hiệu C2-2/THPT1 thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên. Tổng mức đầu tư dự án là 235.303 triệu đồng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn SSG.
Tuy nhiên, từ thời điểm được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đến nay đã hơn 7 năm, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều người dân không đồng tình việc nhà nước thu hồi đất và đền bù với “giá bèo”. Họ cho rằng, đây là một dự án đầu tư với mục đích kinh doanh có lợi nhuận nên chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng cũng như báo chí, nhiều người dân cho rằng: “Chúng tôi luôn luôn đồng tình ủng hộ nhưng dự án trường học này chỉ phục vụ con em nhà giàu, dân nghèo chúng tôi không bao giờ có cơ hội màng tới. Do đó, việc đầu tư dự án, thu hồi đất, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng phải được sự đồng ý và thỏa thuận với người dân theo quy định của pháp luật”.
Cho đến nay, mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cũng như Tổng cục Quản lý đất đai đã có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn SSG, UBND quận Long Biên cũng như người dân để giải thích về chính sách thu hồi đất, nhưng các nội dung trả lời đều “mập mờ”, không đi đúng trọng tâm với câu hỏi: "Căn cứ để Nhà nước thu hồi đất tại dự án này là gì? Để phát triển kinh tế, phục vụ công cộng hay là chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục?".
Trước đó, trong buổi làm việc với chúng tôi, đại diện Công ty CP Tập đoàn SSG cho rằng, căn cứ để Nhà nước thu hồi đất tại dự án này là “chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục” theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, tại Điểm d, Khoản 11.2, Điều 11 trong Hợp đồng thực hiện đầu tư dự án xây dựng trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân giữa UBND quận Long Biên và Công ty cổ phần Tập đoàn SSG thì việc áp dụng chính sách khuyến khích xã hội hóa sẽ được thực hiện sau khi có quyết định của các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Và đến nay, chưa có bất kì văn bản nào của cấp có thẩm quyền đồng ý cho UBND quận Long Biên thu hồi đất dự án này theo chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Ngoài ra, Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008, Thông tư 156/2014/TT-BTC ngày 23/10/2014 và Văn bản Hợp nhất hướng dẫn thi hành Nghị định 59 và Nghị định 69 của Bộ Tài chính cũng đã bãi bỏ hoàn toàn các chính sách xã hội hóa đối với các dự án tương tự như dự án này.
Về vấn đề này, nhiều luật sư đã phân tích và trả lời trên báo Gia đình và Xã hội rất rõ ràng trong những kì báo vừa qua, đó là không có căn cứ nào của pháp luật về đất đai quy định dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Ngày 3/6/2019 vừa qua, tại Công văn 4898/STNMT-CCQLĐĐ trả lời báo Gia đình và Xã hội, Sở TNMT thành phố Hà Nội cho biết: "Theo quy định của Luật Đất đai 2003, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 và các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành: Dự án xây dựng Trường THPT chất lượng cao Mùa Xuân tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (loại đất: Đất cơ sở giáo dục đào tạo (theo Thông tư 28/2004/TT-BTNMT ngày 1/11/2004) thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 điều chỉnh, bổ sung Khoản 2, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 (quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế), cụ thể có nêu:
e) Sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí, giáo dục, đào tạo, văn hóa, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục, thể thao, chợ”.
Về nội dung trả lời của Sở TNMT thành phố Hà Nội, luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Sở TNMT căn cứ vào Thông tư 28/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 và Khoản 3, Điều 2, Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 điều chỉnh, bổ sung Khoản 2, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 (quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế) để khẳng định dự án này thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất là không chính xác.
Thứ nhất, Thông tư 28/2004/TT-BTNMT ngày 1/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ hướng dẫn việc thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước và các vùng lãnh thổ; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện); xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) chứ không đề cập đến việc thu hồi đất.
Thứ hai, để làm rõ Dự án này có thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP ngày 27/1/2006 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 thì chúng ta có thể đối chiếu tại Điểm d, Khoản 1, Điều 36, Nghị định 181/2004/NĐ-CP:
“Điều 36. Thu hồi đất và quản lý quỹ đất đã thu hồi
1. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trong những trường hợp sau:
…
d) Sử dụng đất để xây dựng các công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh;”
Theo luật sư Vi Văn Diện, nếu thực tế học phí của dự án này cũng tương đương như tại một số trường học do Công ty cổ phần tập đoàn SSG làm chủ đầu tư hiện đang hoạt động và kinh doanh tại khu vực quận Long Biên (như Trường phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring - tổ 5 phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) có mức học phí lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm thì có thể thấy, đây là dự án được lập ra với mục đích kinh doanh, không phải là dự án phục vụ công cộng. Đối chiếu với quy định ở trên là “công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh” thì dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.
Được biết, hiện nay UBND quận Long Biên đã ra các văn bản thông báo về việc thu hồi đất của người dân có đất tại dự án này. Để có cơ sở phán ánh khách quan, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên - là cơ quan được UBND quận Long Biên giao nhiệm vụ trả lời các nội dung liên quan cho Báo Gia đình và Xã hội.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Âu Duy Cường - Phó Giám đốc Trung tâm - đã không trả lời ngay được các câu hỏi của phóng viên: "Dự án này có thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất hay không?", "Dự án này là dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng, dự án xã hội hóa hay dự án kinh tế?", "Văn bản nào của cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án ?"... Ông Cường đã đề nghị được trả lời các câu hỏi này sau để xin ý kiến của lãnh đạo UBND quận Long Biên.
Theo luật sư Vi Văn Diện, mặc dù pháp luật về đất đai đã thể hiện rất rõ ràng trong việc thu hồi đất của dự án này nhưng các cơ quan chức năng đang chưa thống nhất nên nhất thiết các cơ quan thanh, kiểm tra phải vào cuộc.
“Qua đó làm sáng tỏ việc thu hồi đất thực hiện dự án này nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, tránh việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài và đặc biệt xem xét về các dấu hiệu lợi ích nhóm mà người dân đang nghi ngờ", luật sư Diện nói.