Sau thời Xô Viết, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới với 39.967 tấn vũ khí, trong khi của Mỹ là 31.500 tấn. Các vũ khí hóa học điển hình của Nga cũng là điển hình của thế giới như sarin, VX, lewisite, mù tạt, lewisite kết hợp mù tạt,...
May mắn là giới chức lãnh đạo của Nga khi đó hiểu được sự nguy hiểm của kho vũ khí khổng lồ này và đã có thiện chí muốn phá hủy chúng. Nhiều người đã thắc mắc đặt ra câu hỏi: Tại sao sở hữu vũ khí hạt nhân thì không sao mà sở hữu vũ khí hóa học lại gắt thế?
Vấn đề là muốn sở hữu và sản xuất vũ khí hạt nhân đòi hỏi chi phí lớn và phải có công nghệ cao, vì vậy không nhiều quốc gia có thể làm được. Còn vũ khí hóa học dù sát thương khủng nhưng cực kỳ dễ sản xuất đại trà, chỉ cần một phòng thí nghiệm là đủ chế khí Sarin chết người. Do vậy, các nước hầu hết đều không muốn giữ những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng dễ sản xuất này.
Thực hiện thiện chí đó, nước Nga đã bắt đầu đóng cửa và tiêu hủy các kho vũ khí của họ từ đầu những năm 1990. Năm 1993 Quốc hội Nga phê chuẩn việc ký kết công ước về vũ khí hóa học.
Năm 1997 chính phủ Nga đã tiến hành sao kê đầy đủ số lượng 39.967 tấn vũ khí trình cho Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) để sẵn sàng tiêu hủy. Nhưng đúng lúc này, cú sốc cực mạnh giáng vào nước Nga khi nước này vỡ nợ vào năm 1998.
Do sự sụp đổ kinh tế, Nga xin phép OPCW chỉ tiêu hủy hạn mức 1% (tức khoảng 400 tấn) trước năm 2002. Thế nhưng, hết hạn 2002 Nga vẫn không đủ tiền vì tiêu hủy, xử lý vũ khí hóa học đòi hỏi chi phí thậm chí còn cao hơn sản xuất.
Vì vậy tới năm 2004, Nga buộc phải xin quốc tế trợ giúp kinh phí giúp họ tiêu hủy hoàn toàn số vũ khí này, tới năm 2007 lại xin thêm lần nữa. Các quốc gia châu Âu đã giúp Nga trong giai đoạn này, mà đáng kể nhất là Italia.
Italia đã đầu tư hơn 560 triệu USD giúp Nga xây dựng một nhà máy xử lý vũ khí hóa học hiện đại nhất ở huyện Pochepsky, cách biên giới Ukraine 70km. Cơ sở này của Italia đóng vai trò lớn nhất trong việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Nga, cụ thể là đã tiêu hủy 18,8% tổng số vũ khí.
Hạn mức đưa ra tiếp theo là tới 2012, Nga phải tiêu hủy toàn bộ 40.000 tấn vũ khí nhưng cuối cùng chỉ đạt 57%. Sau khi trễ hạn năm 2012, các nước châu Âu và Canada tiếp tục hỗ trợ Nga đẩy nhanh tốc độ tiêu hủy bằng cách xây giúp thêm nhà máy tiêu hủy vũ khí mới ở Cộng hòa Udmurt vào năm 2013.
Cùng lúc đó, giới chức Nga cũng thuyết phục được Mỹ tài trợ cho Nga trong khuôn khổ chương trình "Giảm thiểu đe dọa Nunn–Lugar". Đây là chương trình Mỹ tạo ra vào năm 1991 để tài trợ cho các nước từng đối đầu trước kia tiêu hủy bớt kho vũ khí nguy hiểm.
Nhưng đến thời điểm đó Mỹ mới chỉ tài trợ cho vài nước như Gruzia, Ukraine, Uzbekistan,... Phải tới 2012 mới bắt đầu tài trợ cho Nga lần đầu. Nhờ sự chung tay của các nước, tới ngày 27/9/2017 Nga đã hoàn thành nghĩa vụ tiêu hủy toàn bộ 100% kho vũ khí hóa học của mình, thậm chí lần này còn vượt trước thời hạn năm 2018.
Đây là ví dụ cho chúng ta thấy, tiêu hủy được vũ khí hóa học khó và đắt tới nhường nào. Một cường quốc như Nga, cơ sở quân sự phát triển vậy và còn phải “mướt mồ hôi”, chạy vạy xin tiền khắp nơi kể cả từ kẻ thù cũ để mà xây nhà máy xử lý. Vậy nên, các tuyên bố về việc "tự" đóng cửa hay "tự" phá hủy vũ khí hóa học, thường không có được nhiều sự tin tưởng là vì vậy. Nguồn ảnh: Warhistory.
Vũ khí hóa học từng được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng sau đó đã bị cấm hoàn toàn. Dù vậy, nhiều quốc gia vẫn duy trì kho vũ khí hóa học rất lớn, để sẵn sàng đáp trả khi bị tấn công trước bằng thứ vũ khí nguy hiểm, phi nhân tính này. Nguồn: Ultra Johnson02
Thái Hòa