Sốc phản vệ: Dấu hiệu cần nhận biết để cấp cứu kịp thời tránh tử vong
Sốc phản vệ có thể xảy ra sau vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên khiến người bệnh bị dị ứng. Khi bị sốc phản vệ cần nhận biết dấu hiệu sớm để cấp cứu nhanh, kịp thời tránh dẫn tới tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai): Sốc phản vệ có thể gặp ở khắp nơi từ những tình huống tưởng như rất đơn giản nhất nhưng cũng là mối đe dọa lớn đến tính mạng.
Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, huyết áp giảm đột ngột, bít hẹp đường thở, gây khó thở dẫn đến tử vong.
Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như: thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt… hay là những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như: Cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành.
Sốc phản vệ không những chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn. Một số trường hợp có thể xác định được nguyên nhân gây ra sốc phản vệ nhưng một số khác lại rất khó để có thể xác định bởi nguyên nhân gây ra có thể là có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chẩn đoán càng trở nên khó khăn hơn. Khoảng 20% những trường hợp bị sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc, số khác lại xuất hiện triệu chứng ở hệ tuần hoàn như giảm huyết áp.
Các triệu chứng và dấu hiệu của sốc phản vệ
Theo Cẩm nang MSD dành cho Chuyên gia, các triệu chứng sốc phản vệ thường bắt đầu trong vòng 15 phút sau khi tiếp xúc và liên quan đến da, đường hô hấp trên hoặc dưới, hệ thống tim mạch và/hoặc đường tiêu hóa.
Một hoặc nhiều khu vực có thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng không nhất thiết phải tiến triển từ nhẹ (như nổi mày đay) đến nghiêm trọng (như tắc nghẽn đường dẫn khí, sốc khó điều trị), mặc dù mỗi bệnh nhân biểu hiện cùng một phản ứng với tiếp xúc tiếp theo.
Các triệu chứng sốc phản vệ từ nhẹ đến nặng bao gồm: Đỏ bừng, ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, cảm giác nghẹt thở hoặc khó thở, đánh trống ngực và chóng mặt.
Các dấu hiệu quá mẫn do sốc phản vệ gây ra bao gồm: Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nổi mề đay, phù mạch, thở khò khè, thở rít, tím tái và ngất.
Sốc phản vệ có thể tiến triển trong vòng vài phút và bệnh nhân có thể co giật, không đáp ứng và tử vong. Trụy tim mạch có thể xảy ra mà không có triệu chứng hô hấp hoặc các triệu chứng khác.
Phản ứng giai đoạn cuối có thể xảy ra từ 4 - 8 giờ sau khi phơi nhiễm hoặc sau đó. Các triệu chứng và dấu hiệu thường ít nặng hơn ban đầu và có thể bị giới hạn ở mày đay. Tuy nhiên, chúng có thể nghiêm trọng hơn hoặc gây tử vong.
Do đó, những bệnh nhân có phản ứng phản vệ nên được quan sát trong cơ sở điều trị bệnh ở giai đoạn cấp tính trong vài giờ sau phản ứng ban đầu.
Cơ chế sốc phản vệ
ThS.BS Nguyễn Thị Mỹ (Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng) cho biết, cơ chế nảy sinh sốc phản vệ trải qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 - giai đoạn mẫn cảm: Khi dị nguyên đi vào cơ thể, tình trạng sốc phản vệ bắt đầu xảy ra. Dị nguyên đi vào cơ thể qua đường tiêm truyền hoặc có thể do ăn uống, do hít phải hoặc tiếp xúc qua da, tại đây dị nguyên gặp đại thực bào. Đại thực bào được hoạt hóa, các thông tin được truyền qua ARN và tiết ra chất interleukin (IL 1). TCD4 được hoạt hóa bởi IL1, với sự tham gia của các phức hợp chuyển lớp 1 và 3, thứ lớp của TCD4 là TH1 và TH2 bị tác động.
Vai trò của TH2 được thể hiện một cách rõ rệt trong trường hợp bị sốc phản vệ do thuốc, với sự tham gia của IL 4 và IL5 dẫn đến sự sản sinh IgE.
Kháng thể IgE từ tế bào plasma chui qua màng tương báo và được gắn trên bề mặt của dưỡng bào.
Giai đoạn 2 - giai đoạn hóa sinh bệnh: Dị nguyên kết hợp với IgE giải phóng nhiều loại hoạt chất trung gian: serotonin, histamin...
Giai đoạn 3 - giai đoạn sinh lý bệnh: Các hoạt chất trung gian gây tác động khiến cho động mạch bị giãn, huyết áp giảm, phế quản bị co thắt gây nên những cơn đau ở vùng bụng, động mạch não bị co khiến cảm thấy đau đầu, choáng hoặc có thể là hôn mê.
Hậu quả của cơ chế này chính là tăng tính thẩm thấu mao quản và việc nhạy cảm quá mức của phế quản khiến cho mạch ngoại biên bị giãn, tính thẩm thấu thành mạch tăng, thể tích tuần hoàn bị giảm dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, hoạt động của cơ tim bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó phế quản bị co thắt thanh quản bị phù nề, đường hô hấp bị hẹp lại gây nên tình trạng suy hô hấp cấp.
Sốc phản vệ xảy ra khi cơ thể có cơ địa dị ứng, tức là có thể xảy ra với người này nhưng có thể lại không xảy ra đối với người khác.
Cách xử lý và phòng tránh khi bị sốc phản vệ để không gây quá nhiều nguy hiểm
Xử lý sốc phản vệ
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa, nếu cảm thấy cơ thể đang rơi vào tình trạng sốc phản vệ nghiêm trọng, hãy lập tức gọi dịch vụ cấp cứu khẩn cấp.
Trường hợp có sẵn ống tiêm tự động epinephrine (EpiPen), có thể dùng ngay khi các biểu hiện đầu tiên xuất hiện.
Không nên cố gắng uống bất kỳ loại thuốc nào nếu đang trong tình trạng khó thở. Sau đó nạn nhân vẫn cần phải được chăm sóc y tế bởi có thể xảy ra tình trạng tái phát phản ứng sau khi thuốc hết tác dụng.
Đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng.
Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh.
Nếu người bệnh bị nôn hay chảy máu từ miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc.
Nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê.
Nếu bệnh nhân ngưng thở hãy bắt đầu hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.
Nếu bị sốc phản vệ cần gặp bác sĩ khi nào?
BS.CKI Trương Trọng Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chỉ rõ, căn cứ vào dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ sau khi tiếp xúc với dị nguyên trên, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện như các nốt đỏ trên da, hạ huyết áp, khó thở… hãy nhanh chóng yêu cầu sự trợ giúp y tế khẩn cấp. Bởi quá trình chuyển biến từ biểu hiện lâm sàng đến nguy cơ gây tử vong diễn ra rất nhanh, từ vài giây, vài phút đến vài giờ.
Tại sao sốc phản vệ lại diễn ra nhanh?
Phản ứng sốc phản vệ bắt đầu nhanh chóng sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khi đó cơ thể tiết ra rất nhiều hóa chất nhằm chống lại chất gây dị ứng. Những hóa chất này tạo ra một chuỗi phản ứng các triệu chứng.
Những triệu chứng có thể bắt đầu trong vài giây, vài phút, hoặc lâu hơn. Những triệu chứng từ nhẹ đến nặng có thể bao gồm: Tức ngực hoặc khó chịu, khó thở, ho, buồn nôn hoặc nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, khó nuốt, đỏ da, ngứa, nói lắp, lú lẫn. Những triệu chứng sốc phản vệ ban đầu có thể nhanh chóng chuyển sang nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.
Ai có nguy cơ bị sốc phản vệ?
Người có cơ địa dị ứng là nhóm nguy cơ hàng đầu dễ gặp phải tình trạng sốc phản vệ. Nhóm người này bao gồm người dị ứng với thực phẩm, thuốc, đồ dùng, côn trùng…
Do đó, nếu đã xác định được nguyên nhân gây dị ứng, nên tránh xa những dị nguyên đó.
Phản ứng dị ứng và sốc phản vệ có gì khác nhau?
Nếu như tình trạng dị ứng với những biểu hiện thông thường như nổi mẩn, ngứa ngáy ngoài da… thì sốc phản vệ gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn cho sức khỏe, bao gồm cả sốc và nguy cơ tử vong. Ngoài ra, sự khác biệt còn ở vị trí biểu hiện dị ứng.