Sóc Sơn phát triển vùng cây dược liệu
Nằm ở phía Bắc của Thủ đô, huyện Sóc Sơn có nhiều điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển tiềm năng cây dược liệu. Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều năm trước, ông Trịnh Hồng Phong ở xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chỉ biết trông vào diện tích đất đồi gò trồng sắn cho thu nhập thấp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển cây dược liệu huyện Sóc Sơn, ông bắt tay vào trồng cây dược liệu. Bên cạnh được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, sản phẩm cây dược liệu của gia đình ông Phong còn được hợp tác xã hỗ trợ thu mua. Việc tiêu thụ thuận lợi giúp hộ ông Phong không chỉ có thu nhập khá hơn so với canh tác truyền thống mà còn yên tâm mở rộng sản xuất.
Không riêng tại xã Bắc Sơn, mô hình trồng cây dược liệu đang lan tỏa ra nhiều địa phương khác với số lượng nông dân tham gia ngày một đông đảo, đặc biệt là tại các xã: Bắc Phú, Minh Trí, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh, Xuân Giang…
Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho thấy, toàn huyện hiện có trên 66ha diện tích đất trồng cây dược liệu. Chủng loại cây dược liệu chủ yếu là: Cà gai leo, Đinh lăng, Kỳ tử, Chi tử, Kim ngân hoa, Chè hoa vàng, Khôi tía, Dẻ quạt, Bạch hoa xã…
Đánh giá hiệu quả kinh tế từ việc phát triển cây dược liệu cho thấy, nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp kỹ thuật về giống thuần chủng, kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến, cây dược liệu mang lại giá trị gia tăng từ 280 - 420 triệu đồng/ha so với các loại cây trồng truyền thống trên đất đồi gò. Đời sống của người nông dân nhiều địa phương nhờ đó cũng được nâng cao, góp phần tích cực hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Dù đã đạt được những kết quả khả quan, song Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận, các mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn hiện vẫn còn nhỏ lẻ. Diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các tổ chức, DN, hợp tác xã còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ chuyên canh cây dược liệu còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn…
Cũng theo bà Vi Thị Bình Anh, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao. Từng bước xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Đồng thời, phát triển vùng cây dược liệu kết hợp du lịch trải nghiệm nông nghiệp sinh thái và văn hóa - tâm linh.
Tuy nhiên, để cây dược liệu phát triển bền vững trên đất Sóc Sơn, bà Bình Anh kiến nghị TP nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực cây dược liệu; hướng tới mục tiêu đưa huyện Sóc Sơn trở thành Trung tâm Du lịch sinh thái – trải nghiệm, kết hợp với chăm sóc sức khỏe từ các sản phẩm thảo dược hữu cơ thiên nhiên bản địa.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/soc-son-phat-trien-vung-cay-duoc-lieu-352112.html