Sốc: Trái Đất đang quay chậm lại vì mặt trăng 'bỏ chạy'
Vòng quay của Trái Đất đang chậm lại thấy rõ, các nhà nghiên cứu Mỹ và Đức chứng minh.
Công trình vừa công bố trên Nature Geoscience cho hay vòng quay của Trái Đất đã chậm đi rất nhiều lần kể từ khi hành tinh ra đời, và hiện tại vẫn đang tiếp tục thay đổi, trong khi mặt trăng thì ngày một di chuyển ra xa.
Nhà vi sinh vật học Gregory Dick từ Đại học Michigan (Mỹ) cho biết ông và các cộng sự đã nghiên cứu về quá trình oxy hóa bầu khí quyển của Trái Đất, điều liên quan mật thiết đến tốc độ quay của hành tinh. "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tốc độ Trái Đất quay, hay nói cách khác là độ dài ngày của nó, có thể ảnh hưởng quan trọng đến mô hình và thời gian oxy hóa của Trái Đất" – ông nói
Theo Science Alert, điểm đáng chú ý nằm ở 2,4 tỉ năm trước, vi khuẩn lam (tảo lam) xuất hiện và sinh sôi, tạo nhiều oxy hơn như sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất. Đây là một trong những sinh vật có ý nghĩa quan trọng với sự sống muôn loài, vì tạo ra môi trường cần thiết để các loài khác có thể xuất hiện, sinh tồn và tiến hóa, bao gồm chúng ta.
Vi khuẩn lam là loài "dậy muộn", do đó Sự kiện oxy hóa lớn giúp bùng nổ sự sống chỉ có thể xảy ra khi một ngày đủ dài. Liên kết các mô hình tiến hóa, mô hình toàn cầu và nồng độ oxy, nhóm nghiên cứu phát hiện ra độ dài ngày đã nhiều lần liên quan đến sự gia tăng lượng oxy của Trái Đất, bao gồm sự kiện 2,4 tỉ năm nói trên và một Sự kiện oxy hóa Đại Nguyên Sinh xảy ra khoảng 800-550 triệu năm trước.
Họ chỉ ra rằng vào mốc 1,4 tỉ năm trước, một ngày Trái Đất chỉ dài 18 giờ. 70 triệu năm trước, một ngày ngắn hơn ngày nay nửa giờ. Các phép thống kê cho thấy một ngày đang tăng thêm khoảng 1,8 mili giây mỗi thế kỷ.
Lý do Trái Đất quay chậm lại là do tác động của lực hấp dẫn từ mặt trăng. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng vệ tinh này đang rời xa Trái Đất dần dần, chậm chạp, từ đó kìm hãm vòng quay của hành tinh.
Công trình có sự phối hợp của Viện Max Planck về Vi sinh vật biển và Trung tâm Nghiên cứu Biển Nhiệt đới Leibniz (Đức).