Sóc Trăng chăm lo đời sống đồng bào khmer
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế vùng đồng bào Khmer, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho bà con Khmer.
Để triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo và cận nghèo tiếp cận với các chính sách của Nhà nước nhằm vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đồng chí Thạch Thanh Tùng - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn nhận được sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành trong chỉ đạo thực hiện và được người dân đồng tình ủng hộ. Việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng đã thực hiện hỗ trợ cho 25.760 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh (với 40.577 người lao động), kinh phí thực hiện hơn 100,9 tỷ đồng; hỗ trợ cho 241.012 người lao động, kinh phí thực hiện hơn 351,3 tỷ đồng, trong đó, lao động tự do được hỗ trợ 125.551 người với kinh phí hơn 188,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chính sách cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ước khoảng 251.354 người, đạt 58,76%. Đồng chí Dương Phol - Bí thư Chi bộ khóm 5, phường 9, thành phố Sóc Trăng cho biết: "Khóm 5 có đông đồng bào Khmer sinh sống (hơn 40%). Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer. Khi có các chính sách hỗ trợ, Chi bộ chúng tôi luôn đi khảo sát từng hộ đồng bào dân tộc để bà con được hỗ trợ kịp thời nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo".
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh kịp thời đề ra nhiều giải pháp chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển theo hướng tích cực; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo ổn định; kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo được nâng lên; hệ thống trường dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố, kiện toàn; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục ổn định.
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Từ chương trình này, hy vọng rằng sẽ góp phần trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, làm cho bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc.