Sóc Trăng chú trọng bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện Dự án 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch', thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025. Qua đó, tạo nên những chuyển biến tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, góp phần thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá.

Đội nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) biểu diễn phục vụ người dân và du khách trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025. Ảnh: Phan Bình

Đội nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm chùa Sà Lôn (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) biểu diễn phục vụ người dân và du khách trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025. Ảnh: Phan Bình

Sóc Trăng là vùng đất với nét văn hóa độc đáo, đa dạng các di sản văn hóa đặc trưng. Với lợi thế đó, hiện tại, nhiều chùa Khmer có hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm, check-in, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn mang tính đặc thù.

Tại chùa Bôtum Vong Sa Som Rong, ở phường 5, thành phố Sóc Trăng có điểm cho thuê trang phục dân tộc truyền thống Khmer, thu hút nhiều du khách thuê mặc chụp ảnh lưu niệm. Bà Thạch Thị Tha Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong cho biết, nhờ được sư cả chùa ủng hộ tạo điều kiện nên điểm phục vụ du lịch này đã mở hơn 3 năm, với mong muốn giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc đến du khách gần xa. "Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, nhiều đoàn du khách đến tham quan chùa, chiêm bái Phật và thuê trang phục truyền thống, sau đó thuê người trang điểm để chụp ảnh” - bà Sa Ry chia sẻ.

Bà Trần Kim Huệ, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nhờ có điểm cho thuê trang phục của chị Sa Ry, nên tôi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của đồng bào Khmer rất đẹp. Tôi đã có một chuyến trải nghiệm trọn vẹn ở Sóc Trăng”.

Tại làng nghề đan lát của bà con Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, từ những vật liệu đơn giản từ tre, trúc..., với đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra những dụng cụ lao động, vật dụng gia dụng... Những năm gần đây, bà con đã phát triển những dụng cụ này thành sản phẩm thu nhỏ tinh xảo để phục vụ du khách tham quan, mua sắm... Đây cũng là món quà lưu niệm xinh xắn cho du khách mang về tặng người thân sau mỗi dịp đến với Sóc Trăng.

Theo bà Trương Thị Bạch Thủy, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết, hiện nay, hợp tác xã đang hướng tới tạo sự liên kết sản xuất, kinh doanh kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân với nhau. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị của làng nghề, quảng bá sản phẩm đến du khách tham quan. “Đối với xuất khẩu, đa phần là sản xuất hàng tiêu dùng, như sọt đựng quần áo phục vụ cho nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi còn làm thêm mảng xây dựng bằng mây tre, như homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch” - bà Bạch Thủy cho biết.

Theo ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, Sóc Trăng phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian phù hợp, linh hoạt tổ chức trong khuôn viên chùa; nâng tầm Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo thành lễ hội văn hóa cấp quốc gia. Tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đua ghe Ngo trải nghiệm theo định kỳ để phục vụ khách du lịch. Đồng thời, xây dựng các đội hình dịch vụ biểu diễn nghệ thuật văn hóa đặc trưng như nghệ thuật sân khấu Dù kê, nghệ thuật sân khấu Rô băm, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom vong của người Khmer..., hướng đến việc thu hút và giữ chân du khách về đêm. Qua đó, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng đất Sóc Trăng đến khách du lịch trong và ngoài nước.

“Ngoài ra, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên. Đồng thời, tôn tạo, nâng cấp chùa Bốn Mặt, chùa Chăm Pa, các lễ hội dân gian truyền thống kết hợp du lịch văn hóa cộng đồng xã Phú Tân, xã Phú Tâm (huyện Châu Thành)... để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm về văn hóa đặc sắc của cộng đồng Khmer” - ông Sơn Pô nói.

Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có 5 di sản của đồng bào Khmer. Trong đó, nghệ thuật trình diễn nhạc Ngũ âm vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam, quy tụ 20 dàn ngũ âm với khoảng 200 diễn viên, nhạc công tham gia trình diễn.

Ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có nhiều loại hình di sản truyền thống của dân tộc Khmer được bảo tồn và phục vụ tốt các nghi thức trong ngày lễ, Tết cổ truyền và phục vụ phát triển du lịch ở địa phương. Trong đó, Dự án 6 đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Sóc Trăng còn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch thường xuyên tại các điểm đến du lịch. Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng Sóc Trăng là vùng đất của những di sản và những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng, đồng thời khai thác những giá trị của di sản này để phục vụ cho phát triển du lịch.

“Với sự quan tâm đầu tư và sự chung tay của cộng đồng, Dự án 6 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với văn hóa sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững” - ông Lâm Hoàng Mẫu chia sẻ.

Phan Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/soc-trang-chu-trong-bao-ton-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-post490047.html