Sóc Trăng dự kiến lập thủ tục giao 7 mỏ cát cho nhà thầu làm cao tốc
UBND tỉnh Sóc Trăng đang lập thủ tục đưa bảy mỏ cát vào dự án, trong đó, có hai mỏ gia hạn và năm mỏ đang khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng.
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có báo cáo sơ kết công tác triển khai dự án thành phần 4 (thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).
Dự án thành phần 4 có chiều dài hơn hơn 58km, điểm đầu kết nối vào điểm cuối dự án thành phần 3, thuộc thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Điểm cuối giao với tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường dẫn vào cảng Trần Đề (quy hoạch) thuộc huyện Trần Đề.
Dự án do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 11.900 tỉ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) khoảng 1.788 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 8.550 tỉ đồng, chi phí thiết bị khoảng 5,5 tỉ đồng.
Dự án thành phần 3 qua địa bàn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng ảnh hưởng 1.808 hộ dân và tổ chức. Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt khoảng 82%, vượt so với kế hoạch. Cụ thể, đã phê duyệt phương án đền bù và chi trả cho 1.487 hộ dân bị ảnh hưởng dự án. Tổng diện tích đã chi trả bồi thường GPMB là 273/331ha.
Ngày 17-6 vừa qua, Sóc Trăng đã khởi công một trong bốn gói thầu xây lắp. Hiện các nhà thầu hiện đang tập trung xây dựng lán trại, tập kết vật tư, máy móc, thiết bị và trình các phương án tổ chức thi công theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt.
Về tái định cư cho bà con bị ảnh hưởng, Sóc Trăng đang triển khai thi công 4/6 khu tái định cư, hiện đạt khoảng 60% khối lượng. Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chủ quản triển khai di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB của dự án.
Về vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay địa phương đang lập thủ tục đưa 7 mỏ cát vào dự án. Trong đó, có 2 mỏ gia hạn và 5 mỏ đang khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết dự án được triển khai trong khu vực có nền đất yếu, do đó, phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu cát để đắp nền đường. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng không có mỏ đá, đất sét... nên phải sử dụng nguồn vật liệu từ ngoài tỉnh, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng dự kiến sẽ giao mỏ cho các nhà thầu để khai thác cát phục vụ xây dựng cao tốc theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đây là công việc chưa có tiền lệ ở địa phương và rất nhiều thủ tục phức tạp. Cạnh đó, công tác xác định giá khai thác cát còn khó khăn do chưa có hướng dẫn, chưa có định mức.
“Kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn thủ tục để xác định dự toán giá cát khi giao mỏ cho nhà thầu thực hiện khai thác cát phục vụ dự án” - báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng nêu.
Một vấn đề khác, Sóc Trăng hiện chưa xác định được giá cát, giá đất cụ thể tại thời điểm ký hết hợp đồng, do chưa xác định được mỏ, chưa được giao mỏ, chưa xác định được chi phí khai thác. Từ đó, giá trong hợp đồng chỉ là dự kiến và sau khi giao mỏ cho nhà thầu và tổ chức khai thác cát, chủ đầu tư sẽ tổ chức xây dựng lại giá cát và điều chỉnh lại hợp đồng. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ GTVT chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện vấn đề này.
Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ TN&MT sớm phối hợp với Bộ Xây dựng cùng UBND các tỉnh, thành phố ĐBSCL để xác định trữ lượng các mỏ vật liệu thông thường, như: các loại đá, cát xây dựng, đất sét đắp lề đường... Từ đó, điều tiết cho các địa phương khan hiếm hoặc không có nguồn vật liệu để các tỉnh làm cơ sở tính toán lập dự toán xây dựng và triển khai dự án.