Sóc Trăng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm 35,44%). Giai đoạn 2021-2025, Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS với 128 ấp đặc biệt khó khăn. Sau 3 năm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đông đồng bào DTTS trong tỉnh.
Nâng cao nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Từ đầu năm 2023 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là chức sắc, tôn giáo, ban quản trị của chùa, người có uy tín và đồng bào DTTS về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình, quyền lợi, nghĩa vụ của các đối tượng thụ hưởng chính sách. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào DTTS trong việc tham gia thực hiện Chương trình, tự lực phấn đấu vươn lên bên cạnh sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước và cộng đồng.
Theo ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Năm 2023, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS có tổng kinh phí thực hiện trên 413 tỷ đồng. Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận, trách nhiệm của người dân, nhất là đồng bào DTTS, đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh đã thực hiện giải ngân vốn năm 2022 và năm 2023 trên 220 tỷ đồng vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Từ đó đã triển khai đầu tư xây dựng 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình nâng cấp mạng lưới chợ, 4 công trình nước tập trung...
“Bên cạnh đó, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh đã cấp phát 257.747 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số; khám, chữa bệnh cho 116.400 lượt đồng bào DTTS với chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên 51 tỷ đồng...” - ông Rotha nói.
Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng. Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Đến nay, Sóc Trăng có 99,1% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường tiểu học và trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế, trong đó có 96% xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn và 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 85,52% xã, phường có nhà văn hóa và 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng...
“Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ, giảm 2,19% so với năm 2021) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01%/tổng số hộ Khmer, giảm 3,01% so với năm 2021), hộ nghèo Hoa còn 345 hộ (chiếm 2,09%). Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, từ đó giúp đồng bào DTTS có điều kiện lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống” - bà Ngọc nói.
Đồng bào Khmer phấn khởi được thụ hưởng từ Chương trình MTQG
Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là huyện biển có trên 50% đồng bào DTTS, vì vậy các Dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG đã thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống vật chất và tinh thần vùng đồng bào DTTS sinh sống. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào DTTS Trần Đề ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Ấp Bưng Sa, xã Viên An (huyện Trần Đề) là nơi có đông bà con Khmer sinh sống với sinh kế gắn liền cùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng màu. Nhiều con đường đất mặc dù đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa mỗi khi vào đợt thu hoạch cao điểm, bởi bề rộng mặt đường vẫn còn hạn chế. Nhờ nguồn vốn phân bổ 700 triệu đồng từ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, tuyến đường 2 mét của ấp đã được mở rộng lên 3 mét. Với chiều dài là 800 mét, việc nâng cấp, mở rộng đường không chỉ phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân, mà còn góp phần kết nối giao thông giữa các các ấp lân cận, tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển nông nghiệp xã.
Anh Thạch Nươl (người Khmer) ở ấp Bưng Sa, xã Viên An phấn khởi cho biết: “Hồi chưa được làm tuyến đường này thì khi nông sản đến mùa thu hoạch, việc vận chuyển diễn ra chậm, nhất là vào mùa mưa vận chuyển sẽ càng khó hơn, vừa ảnh hưởng đến giá cả vừa ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa khi đến thị trường. Vì vậy mà khi được đầu tư cho tuyến đường này bà con ở đây rất mừng và phấn khởi”.
Trước đây, ấp Hà Bô, xã Tài Văn (huyện Trần Đề) còn nhiều con đường đất cặp sát bờ kênh dù đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mỗi khi vào đợt thu hoạch lúa cao điểm. Năm 2022, nhờ nguồn vốn phân bổ hơn 1,8 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, tuyến đường bê tông khu 4 của ấp, dài 840m, rộng 3m đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường không chỉ phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân, mà còn góp phần kết nối giao thông giữa các ấp lân cận.
Anh Lâm Song (người Khmer) ở ấp Hà Bô bày tỏ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn. Lúc Nhà nước mở tuyến đường này, gia đình tôi quyết định hiến đất, tháo dỡ một phần nhà cửa của mình để góp phần hoàn thành công trình. Những năm trước, các hộ dân sinh sống ở đây muốn đến xã, hoặc chợ Tài Văn phải lội bộ theo bờ kênh, có khi đi bằng xuồng, ghe. Bây giờ, Nhà nước đầu tư tuyến đường bêtông mới phẳng lì, gia đình tôi và bà con rất phấn khởi vì đi, lại thuận tiện hơn”.
Anh Trương Sà Phal (người dân tộc Khmer) ở ấp Phnô Cam Bốth (xã Tham Đôn) thuộc diện hộ không có đất sản xuất, thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc làm thuê. Từ nguồn vốn Chương trình, gia đình anh đã được chính quyền địa phương hỗ trợ chuyển đổi nghề. Anh Phal cho biết: “Trước đây, hai vợ chồng tôi chủ yếu làm thuê, ai thuê gì làm đó. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ máy nổ và chiếc vỏ lãi nên vợ chồng tôi chuyển sang giăng lưới, đánh bắt cá dưới sông. Bình quân 1 ngày thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng nên cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Còn gia đình ông Thạch Sà Dươl ở ấp Tắc Gồng (xã Tham Đôn) cũng được hỗ trợ 1 máy xới đất từ nguồn vốn Chương trình. Ông Thạch Sà Dươl cho biết, gia đình ông rất vui và phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, đồng thời sẽ cố gắng phát huy hết công năng và bảo quản thật tốt chiếc máy xới đất.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS. Các chính sách hỗ trợ từ Chương trình được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần hun đúc thêm niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS.