Sóc Trăng: Nuôi cá bảy màu phòng chống sốt xuất huyết

Mô hình nuôi và nhân giống cá bảy màu để tặng cho người dân trên địa bàn đang được các đồn Biên phòng thuộc tỉnh Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả.

Chi đoàn Đồn Biên phòng Lai Hòa tận dụng các bồn, bể chứa nước không còn sử dụng để nuôi cá bảy màu.

Chi đoàn Đồn Biên phòng Lai Hòa tận dụng các bồn, bể chứa nước không còn sử dụng để nuôi cá bảy màu.

Đây là một giải pháp rẻ tiền, dễ dàng triển khai, hộ dân nào cũng có thể thực hiện được để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

“Thuốc” diệt lăng quăng hiệu quả

Việc nuôi cá bảy màu giúp diệt lăng quăng, không cho chúng phát sinh thành muỗi, trung gian truyền bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh sốt xuất huyết.

Phương pháp này đang được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tỉnh Sóc Trăng triển khai có hiệu quả cho người dân trên địa bàn biên giới thị xã Vĩnh Châu, nhất là thời điểm đang bước vào mùa mưa như hiện nay.

Gần 1 năm nay, Chi đoàn các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã xây dựng hiệu quả mô hình nuôi cá bảy màu tại đơn vị để cấp phát cho các hộ gia đình.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 5/2022 đến nay lực lượng Biên phòng đã tặng cho người dân tại các phường, xã biên giới của tỉnh Sóc Trăng hơn 5.000 con cá bảy màu để diệt lăng quăng.

Theo chia sẻ của Đại úy Huỳnh Lý Tưởng, chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lai Hòa, tháng 11/2021, chiến sĩ trong đơn vị mang cá bảy màu từ nhà lên đồn nuôi cảnh.

Do loài cá này sinh sản rất nhanh nên đã tách ra và bỏ vào trong các bể chứa nước mà đơn vị không còn sử dụng. Từ khi bỏ cá vào các bể chứa này, một thời gian sau không phát hiện còn lăng quăng nữa.

Nhận thấy hiệu quả của cá bảy màu trong việc diệt lăng quăng, Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn Biên phòng Lai Hòa đã phát triển thành mô hình để nuôi cấp phát cho người dân. Mô hình nhằm giúp người dân tiết kiệm chi phí, bởi ngoài thị trường, loại cá này bán giá khá cao, mỗi con từ 5.000 đến 7.000 đồng.

Tương tự, từ đầu năm 2022, Chi đoàn Biên phòng Lai Hòa cũng đã tận dụng những thùng xốp, bể chứa nước của đơn vị không còn sử dụng để nuôi cá bảy màu.

Năm nay, để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, ngay từ khi bước vào mùa mưa, cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa đã phát động người dân nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng, và Đồn Biên phòng Lai Hòa là điểm cung cấp cá giống miễn phí cho bà con.

Cán bộ Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân có thể nuôi cá từ các lu, khạp, hộ khá giả thì xây hòn non bộ để vừa làm cảnh, vừa nuôi loài cá này.

Đại úy Huỳnh Lý Tưởng chia sẻ: “Loại cá bảy màu sinh sản nhanh, tốn ít chi phí nuôi, nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc diệt lăng quăng. Những tháng qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức đoàn địa phương, các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, tặng cá miễn phí cho các hộ gia đình trên địa bàn đơn vị quản lý để diệt lăng quăng.

Từ hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại nên các hộ gia đình trên địa bàn đều hưởng ứng và nhân rộng mô hình để phòng, chống sốt xuất huyết từ xa, bảo vệ sức khỏe cho từng thành viên trong gia đình”.

Nâng cao ý thức cho người dân

Ông Lê Văn Sáng (sinh năm 1952), trú tại ấp Prey Chop, xã Lai Hòa chia sẻ: “Bước vào mùa mưa, gia đình được cán bộ Biên phòng và Trạm Y tế xã Lai Hòa đến tận nơi hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tặng cá bảy màu. Theo hướng dẫn của các anh, tôi thả cá bảy màu vào tất cả các dụng cụ chứa nước sinh hoạt của gia đình, đồng thời loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết. Người dân chúng tôi cũng thường xuyên dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ xung quanh khu vực nhà ở, khai thông đường nước xung quanh nhà để đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ”.

Khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng trải dài trên địa bàn 3 huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với 11 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn có ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống đan xen.

Trong đó bà con dân tộc Khmer chiếm hơn 50%. Khí hậu ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng, các địa phương miền Nam nói chung đều có “hai mùa mưa nắng”. Nhiều năm, mùa mưa kéo dài đến tận tháng 11 và cứ có nước mưa là có lăng quăng, có muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Bước vào mùa mưa năm 2022, ngoài việc tặng cá bảy màu để diệt lăng quăng, cán bộ Biên phòng còn tăng cường công tác tuyên truyền về các phương pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho các hộ gia đình.

Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: Phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình, tuyên truyền qua mô hình “Tiếng loa biên phòng” hay phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền qua loa truyền thanh của địa phương.

Riêng trong tháng 5/2022, cán bộ các đồn Biên phòng đã phát hơn 2.000 tờ rơi về cách phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho người dân trên địa bàn biên giới thị xã Vĩnh Châu.

Đại úy Nguyễn Văn Đen, chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Châu, cho hay: “Cán bộ đơn vị luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức tự phòng chống sốt xuất huyết trong nhân dân như: Dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, đậy kín các lu, khạp chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng.

Hướng dẫn các bậc cha mẹ phải cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… Đồng thời nhắc nhở bà con khi có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý chữa trị”.

Còn Đại úy Huỳnh Lý Tưởng cho biết: “Trên địa bàn hai xã Lai Hòa và Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu) mà đơn vị quản lý bà con dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70% dân số. Nhiều hộ đồng bào vẫn chưa hiểu rõ tác hại của dịch bệnh sốt xuất huyết nên những năm trước đây số ca mắc nhiều.

Từ thực tế đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nên bà con đã có ý thức hơn trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Năm 2021 có 4 ca mắc sốt xuất huyết, riêng từ đầu năm 2022 đến nay hai xã Lai Hòa và Vĩnh Tân không ghi nhận ca nào”.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/soc-trang-nuoi-ca-bay-mau-phong-chong-sot-xuat-huyet-RoBTaRC7g.html