Sóc Trăng sản xuất theo hướng hữu cơ giúp phát triển nông nghiệp bền vững

Tại Sóc Trăng, sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 bước đầu đã đạt được hiệu quả.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa (năm 2023) của tỉnh Sóc Trăng đạt 1.507 triệu USD (thủy sản 950 triệu USD, gạo 469 triệu USD, rau quả 1 triệu USD). Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Giá trị xuất khẩu hàng hóa (năm 2023) của tỉnh Sóc Trăng đạt 1.507 triệu USD (thủy sản 950 triệu USD, gạo 469 triệu USD, rau quả 1 triệu USD). Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Từ đó, giúp nông dân ở Sóc Trăng có thêm điều kiện tăng thu nhập, đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.

Theo ông Phan Thanh Chiến, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ (Sở Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng), thực hiện từ năm 2022, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025 đã triển khai đồng bộ các hợp phần như: triển khai và điều phối đề án, nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình, hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận, xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận, quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ…

Từ năm 2022 đến nay, đề án đã thực hiện xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ cho 32 mô hình sản xuất hữu cơ trên cây ăn trái, mô hình trên lúa, lúa-cá, lúa luân canh tôm, bò thịt, tôm sú dưới tán rừng, tôm càng xanh... Đồng thời, dự án tiếp tục thực hiện hỗ trợ 14 mô hình sản xuất hữu cơ được tư vấn để đánh giá chứng nhận, cũng trên các loại hình như thủy sản, lúa, tôm, cây ăn trái…

Điển hình như tại thị xã Ngã Năm, địa phương xây dựng 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên lúa - cá, trồng ổi Ruby (ruột đỏ) và mô hình trồng mãng cầu xiêm, với tổng diện tích gần 20ha.

Ông Võ Văn Bé, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Năm cho biết, nông dân tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phân hữu cơ, thuốc sinh học, phân tích mẫu đất, nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất hữu cơ, hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký trong quá trình canh tác, hỗ trợ nhãn mát truy xuất nguồn gốc. Các mô hình sản xuất hữu cơ phù hợp từng loại cây trồng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lợi nhuận mô hình đem lại cao hơn so với sản xuất nông nghiệp thông thường từ 15% trở lên.

Hơn 2 năm tham gia mô hình sản xuất lúa – cá hữu cơ, ông Nguyễn Văn Thủy (khóm Tân Thạnh, Phường 2, thị xã Ngã Năm) cho biết, gia đình có 2ha đất tham gia mô hình sản xuất lúa – cá hữu cơ, đến nay đã làm được 4 vụ. Được ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất nên chi phí giảm so với sản xuất ngoài mô hình, lợi nhuận tăng hơn 30%. Ông Nguyễn Văn Thủy cũng cho biết, với diện tích sản xuất 2 ha lúa (giống ST25) và nuôi cá trên đồng ruộng, trừ các khoản chi phí thu nhập của gia đình một năm gần 200 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu đề án 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án; diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt khoảng trên 210 ha, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,2 - 1,4 lần so với sản xuất thông thường.

Mô hình trồng dưa lưới (trong nhà kính) trên đất ruộng ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Mô hình trồng dưa lưới (trong nhà kính) trên đất ruộng ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Tuấn Phi-TTXVN

Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng đã hình thành và phát triển thêm được một số khu vực sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích 32.178 ha, trong đó lúa 12.745 ha, rau màu 5.970 ha, cây ăn trái 13.463 ha.

Hiện tỉnh phát triển và duy trì 104 mã số vùng trồng trên cây ăn trái với diện tích hơn 593ha, trên cây vú sữa, nhãn, xoài, bưởi, sầu riêng,.. để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngoài ra, tỉnh xây dựng được 5 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, nhãn, bưởi, sầu riêng với các công ty, doanh nghiệp được trên 3.000 tấn sản phẩm tiêu thụ thị trường siêu thị trong nước và xuất khẩu và có 1.402 ha diện tích lắp đặt hệ thống tưới phun tự động.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được tỉnh triển khai quyết liệt, qua đó bước đầu đạt kết quả quả khả quan trong thời gian qua. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương tham gia dự án cần triển khai thực hiện đa dạng các mô hình, loại hình cây trồng vật nuôi.

Các huyện, thị xã, thành phố tham gia đề án tăng cường vận động tuyên truyền thực hiện nông dân nhằm sản xuất mang lại hiệu quả. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra sản phẩm phân bón hữu cơ thuốc vi sinh phải đảm bảo chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất tại hộ dân đạt chuẩn hữu cơ. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân tham gia dự án phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ để sản phẩm sau thu hoạch đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Tuấn Phi/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/soc-trang-san-xuat-theo-huong-huu-co-giup-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung/351460.html