Sóc Trăng tập trung phát triển nguồn nhân lực

Xác định nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ thì việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lại càng được tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ một tỉnh nghèo, nguồn nhân lực hạn chế, trong nhiều nhiệm kỳ qua, gần đây nhất là nhiệm kỳ 2015 - 2020, Sóc Trăng luôn xác định công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để xây dựng tỉnh nhà phát triển, vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách, kế hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực như: Đề án ST 150, Kế hoạch Phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, Đề án Phát triển nguồn nhân lực y tế, chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh và ngành y tế… Từ đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng tại các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, kết quả, cơ cấu lao động, ngành nghề, việc làm có chuyển biến tích cực.

Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng ngày càng được nâng cao qua các nhiệm kỳ đại hội (Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội). Ảnh: M.LINH

Chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng ngày càng được nâng cao qua các nhiệm kỳ đại hội (Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội). Ảnh: M.LINH

Hiện Sóc Trăng là một trong những địa phương được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm cơ hội đầu tư phát triển. Trong năm 2021 có 70 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện các dự án đầu tư, qua đó đã cấp đăng ký đầu tư cho 16 dự án, với tổng vốn đăng ký là 26.621 tỉ đồng, tăng 23,24% so với năm 2020, cho thấy tiềm năng kinh tế của tỉnh là rất lớn. Bên cạnh đó, nhờ đầu tư đúng mức cho xây dựng nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội của tỉnh không ngừng phát triển. Các cơ quan nhà nước ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, được người dân và doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.

Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn chưa hài lòng với những kết quả trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Để kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định: “Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một trong ba khâu đột phá cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể hóa nghị quyết đại hội, ngày 21-7-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ, đề ra mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện rõ ràng nhằm phát triển nguồn nhân lực ở từng ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Đồng chí Trần Phước Vĩnh - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực là cần thiết, phù hợp với thực tiễn của Sóc Trăng. Đây là cơ sở để các cấp chính quyền cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch, quy hoạch, đề án phát triển nguồn nhân lực phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Để xây dựng được nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tiêu biểu, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được đào tạo, bồi dưỡng vào quá trình công tác, lao động sản xuất, đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sóc Trăng cần quan tâm thực hiện tốt khâu đào tạo, sử dụng và đãi ngộ.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần để căn dặn Đảng về việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải có chính sách đào tạo trang bị cho thế hệ sau những yếu tố cần thiết, phải vừa “hồng”, vừa “chuyên” để họ có đủ năng lực tiếp nhận và giải quyết công việc khi được giao nhiệm vụ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được Sóc Trăng quan tâm thực hiện tốt (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: M.LINH

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn được Sóc Trăng quan tâm thực hiện tốt (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: M.LINH

Như vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng, đòi hỏi tỉnh phải nâng cao chất lượng công tác đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực phải có đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, phải thẩm thấu được quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải trực tiếp thực hành, trải nghiệm thì nguồn nhân lực mới đủ khả năng áp dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn từng ngành, lĩnh vực, vị trí công tác, lao động, sản xuất. Đẩy mạnh công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án vị trí việc làm. Nâng cao chất lượng tuyển dụng lao động, lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu, phát huy và nâng cao hiệu quả công việc. Sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của từng người. Tạo môi trường làm việc, khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, đi đôi với bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích của người dân… Có như vậy cán bộ, công chức, viên chức mới hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Ngoài ra, tỉnh có thể tận dụng nguồn lao động trở về từ các tỉnh do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó có rất nhiều lao động đã được đào tạo, tay nghề cao để sử dụng hiệu quả tại các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh. Cần có chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và học sinh có năng khiếu đặc biệt đi học tập ở nước ngoài. Bổ sung chính sách, tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia đến làm việc tại tỉnh. Nghiên cứu thực hiện chính sách tiền lương theo cơ chế thỏa thuận, tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, động viên người lao động cống hiến hết mình và phát huy tối đa khả năng sáng tạo cho công việc…

Đầu tư cho nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Tin rằng, với những giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 06-NQ/TU sẽ là động lực, tiền đề quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có đủ phẩm chất, năng lực, cống hiến hết mình kiến tạo quê hương phát triển giàu đẹp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

MỸ LINH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/soc-trang-tap-trung-phat-trien-nguon-nhan-luc-53739.html