Sóc Trăng triển khai mô hình xanh - sạch - đẹp tại điểm du lịch chùa Dơi
Năm 1999, chùa Dơi ở Sóc Trăng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hơn 10 năm qua, khu du lịch chùa Dơi được đưa vào hoạt động, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, viếng Phật.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp cùng UBND TP Sóc Trăng và Ban Quản trị chùa Mahatup (chùa Dơi) làm lễ phát động về việc triển khai mô hình xanh – sạch – đẹp tại điểm du lịch chùa Dơi. Ngôi chùa được xây dựng trên 400 năm này tọa lạc tại đường Văn Ngọc Chính, phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1999, chùa Dơi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Hơn 10 năm qua, khu du lịch chùa Dơi được đưa vào hoạt động, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, viếng Phật. Đối diện cùa Dơi còn có khu nhà hàng, khách sạn phục vụ nhu cầu ẩm thực, tham quan và lưu trú cho du khách trong và ngoài nước.
Vào năm 2007, khoảng 4h của một ngày trung tuần tháng Tám, khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tồn tại trên 400 năm này đã phát hỏa. Do trong chánh điện có quá nhiều vật liệu dễ cháy như nhang, màn vải, nến... đã làm lửa bùng phát. Dù lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt kịp thời nhưng khi ngọn lửa được khống chế thì bên trong chánh điện chỉ còn lại đống đổ nát.
Đến tháng 7/2009, dự án phục tráng nguyên trạng khu chánh điện chùa Dơi đã hoàn thành với các tiết tấu hoa văn, lợp ngói sơn vàng, trang trí lại các tượng Phật… đúng như hiện trạng ban đầu với tổng kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ.
Ngoài việc phục tráng khu chánh điện, những công trình phụ trong khuôn viên chùa như bờ kè ao cá, hồ sen, hệ thống thoát nước… cũng được nâng cấp để tạo cảnh quan thoáng mát, sạch đẹp. Hiện nay, không chỉ có nhiều đàn dơi về trú ngụ tại chùa làm tăng thêm cá thể dơi mà các loại chim, cò cũng về sống trong các rặng cây ven chùa Dơi trong khu vực rộng khoảng 7 ha.
Đàn dơi hàng nghìn con trong chùa Dơi hiện nay mỗi con trưởng thành sải cánh dài khoảng 1- 1,5 m, tốc độ bay của chúng từ 50-60 km/h. Ngoài ra, chùa còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục - văn hóa - lễ hội của đồng bào Khmer địa phương.
Trong thời gian qua, Đảng ủy – UBND phường 3, TP Sóc Trăng luôn cùng Ban Quản lý di tích, Ban Quản trị chùa Dơi phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt các quy định thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo theo thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014. Qua đó, đã phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, không để xảy ra các hoạt động vi phạm nếp sống văn hóa, văn minh, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường tại cơ sở.
Tuy nhiên, tại điểm du lịch, di tích chùa Dơi vẫn còn xảy ra tình trạng chưa xử lý rác thải, việc bỏ rác bừa bãi của chưa đúng nơi qui định, việc buôn bán hàng rong mất trật tự trong khuôn viên chùa… phần nào đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của chùa và tạo ấn tượng chưa tốt đối với khách du lịch. Để khắc phục tình trạng này và hưởng ứng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương về triển khai mô hình xanh – sạch – đẹp tại điểm chùa Dơi, cơ quan chức năng yêu cầu người dân và du khách tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch tại điểm du lịch.
Việc thứ hai là địa phương thường xuyên tổ chức ra quân kiểm tra tình hình an ninh, trật tự, vệ sinh môi, sắp xếp hợp lý các điểm bán hàng phục vụ du khách tại điểm du lịch chùa Dơi; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động cộng đồng như ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, chung tay xây dựng điểm du lịch chùa Dơi là điểm đến thân thiện, xanh - sạch - đẹp.