'Sợi chỉ đỏ' của văn hóa trong Đảng
Vấn đề bao trùm, xuyên suốt được ví như 'sợi chỉ đỏ' của văn hóa trong Đảng là mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, nhân dân.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ quan điểm "văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất". Ảnh: THÀNH CHUNG
Ngày xuân, câu chuyện trong mỗi gia đình Việt thường xoay quanh vấn đề đạo đức, lối sống, nói hẹp hơn là lòng hiếu thảo, tình thương yêu con người. Đó là chuyện nhà, còn chuyện nước, người ta thường bàn tới vận nước qua các thời kỳ lịch sử. Vận nước thịnh hay suy phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng có một điều chắc chắn rằng, thịnh hay suy không chỉ phụ thuộc kinh tế, mà suy tới cùng lại là văn hóa. Thậm chí, có vị tiền bối từng nói đại ý, văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất.
Văn hóa trong Đảng là một dòng, một nhánh lớn trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Trong công cuộc đổi mới đất nước, trong các văn kiện chính thức của Đảng ta đã nhiều lần nhắc tới việc xây dựng văn hóa trong Đảng, cũng có tác giả dùng cụm từ “xây dựng văn hóa Đảng” với ý nghĩa tổng quát hơn là văn hóa cầm quyền của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đó là: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.
Không phải bây giờ quan điểm xây dựng văn hóa trong Đảng mới được Đảng ta coi trọng. Cách đây hơn 62 năm, vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đảng được coi là một biểu tượng về văn hóa của dân tộc. Và suy cho cùng thì đạo đức, văn minh chính là văn hóa.
Vấn đề bao trùm, xuyên suốt được ví như “sợi chỉ đỏ” của văn hóa trong Đảng là mọi chủ trương, đường lối và hoạt động của Đảng phải vì lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của nhân dân. Tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng ta nêu rõ nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Cho đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu “Tập trung xây dựng Đảng về mặt đạo đức”. Đây được xem là nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Hóa ra văn hóa trong Đảng là những chuyện có thể nhìn thấy, nghe thấy, là điều mà mỗi người vẫn nghĩ, vẫn nói hằng ngày. Nói rộng ra, nói ở cấp độ cao hơn thì văn hóa trong Đảng thể hiện ở mấy vấn đề sau đây: Văn hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo; trong việc lựa chọn, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; trong phương pháp quản lý, điều hành; trong đạo đức, lối sống; trong ứng xử của mỗi “công bộc của dân”, nói những lời lọt tai, làm những việc đẹp mắt...
Vậy nên những thiếu sót, khuyết điểm, những điều chướng tai gai mắt chính là chưa văn hóa, thiếu văn hóa, hoặc dưới tầm văn hóa. Một cán bộ chủ chốt nhận quà Tết hàng tỷ đồng lại vẫn nghĩ rằng đó là “tấm lòng” của anh em (!). Một “đệ tử” đứng trước “quan anh” mà cái lưng cong gập, hai tay xoa tít thì dùng từ phản văn hóa là còn nhẹ. Một vài người loạn ngôn, lộng ngôn, xảo ngôn khi nhận xét về việc chung, khi nhắc tới đồng chí đồng nghiệp chính là họ đã tự xóa mình đi trong một cơ quan, một đơn vị văn hóa. Ông thủ trưởng nọ nịnh trên nạt dưới, mở miệng là quát mắng thuộc cấp, lại xí xóa rằng “thông cảm, mình nóng tính, thật ra mình rất quý cậu”. Mọi người hỏi nhau: tại sao ông ta lại không “nóng tính” với cấp trên nhỉ? Rồi còn biết bao thứ làm phai nhạt, làm biến mất văn hóa trong hiện tại, những chuyện mà cách đây mấy chục năm không ai có thể hình dung nổi.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chúng ta thường nói mọi chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, suôn sẻ, biến thành hiện thực sinh động, thế chính là hiệu quả. Một khi bệnh hình thức nặng nề, cơ chế quan liêu, mệnh lệnh cứng nhắc thường dẫn đến lối làm ăn đối phó, bệnh thành tích, làm dối, làm ẩu. Phải làm sao để chủ trương, chính sách thấm sâu trong đời sống, trở thành nếp nghĩ, cách làm tự giác, sáng tạo của quần chúng, tạo ra năng suất cao, hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm hàng hóa cao thì đó mới thật sự là thước đo năng lực lãnh đạo. Hay nói cách khác đó là thể hiện phong cách lãnh đạo sát thực tiễn, từ thực tiễn mà tìm ra cách làm tốt nhất, chống gia trưởng, độc đoán, ôm đồm, bao biện, nhưng đồng thời cũng chống tệ quan liêu, khoán trắng cho cấp dưới. Ở đây, mạch nguồn văn hóa như mạch ngầm tuôn chảy, như trái ngọt của bao tháng ngày dày công chăm bón.
Văn hóa trong Đảng thể hiện rõ trong việc nhìn nhận, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, trong đó đánh giá vẫn là khâu khó nhất. Trong nhiệm kỳ khóa XII, XIII của Đảng, Trung ương đã ban hành rất nhiều chỉ thị, quy chế, quy định về kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền, vậy nhưng kết quả chưa như mong muốn, có những mặt còn nghiêm trọng hơn. Là vì có nhiều đồng chí biết rõ, hiểu rõ mà không làm vì nó ảnh hưởng đến cá nhân, đến lợi ích nhóm. Cái cơ chế để những người tham lam không thể, không dám tham nhũng dù có chặt chẽ, tỉ mỉ đến đâu cũng khó mà bao trùm mọi mặt đời sống xã hội. Đó là chỗ cần nhất đòi hỏi đạo đức, lương tâm người cán bộ. Đó là chiều sâu văn hóa trong mỗi tổ chức đảng và mỗi cá nhân, nhất là những người có chức, có quyền. Lương tâm, danh dự không phải điều cao siêu mà có thể chỉ là sự biết đủ, biết dừng, chẳng hạn biết từ chức khi không còn uy tín. Người biết đủ bằng lòng với cái đang có, an nhiên với từng bước chân thảnh thơi, đào sâu bản chất của sự vật để hiểu tới tận cùng. Còn người không biết đủ thì luôn cảm thấy thiếu thốn, dằn vặt. Sự nghiệp cách mạng đòi hỏi người cán bộ hãy tăng cường sức đề kháng, hãy phòng tốt để chống tốt. Vàng ròng không sợ lửa, lòng thành không sợ thử thách. Hãy đóng cái đinh đúng chỗ, chứ đừng loay hoay nhổ cái đinh rỉ khỏi khối bê tông, coi việc nhổ được cái đinh là một... thành tích (!)
Văn hóa trong Đảng coi trọng việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, cùng với đó phải hết sức chú ý đấu tranh loại bỏ cái phản văn hóa vẫn lởn vởn đâu đây: vĩ cuồng, ảo tưởng, thị phi, đố kị, mục hạ vô nhân... Kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tham nhũng, tiêu cực nhằm giáo dục, ngăn ngừa, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng. Đây cũng là bài học đắt giá, cắt đi một cành sâu để cứu cả cây lớn, bỏ đi một khối u để cứu một cơ thể sống.
Và trong buổi sớm xuân nay rạo rực trong ta niềm vui ngày nắng mới. Trong bầu khí quyển trong lành, ta cảm nhận sức xuân của Đảng đang thấm sâu, đang lan tỏa, để rồi kết tụ, đâm chồi nảy lộc. Ta vươn tới cái hạnh phúc, lớn lao không phải bằng cách thu nhỏ mình mà là làm giàu văn hóa của mình. Sức mạnh nội sinh của văn hóa nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng, tự bản chất của một Đảng tiên phong, luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết mà hình thành, phát triển như một lẽ tự nhiên vậy.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/soi-chi-do-cua-van-hoa-trong-dang-223925