'Soi' danh mục đầu tư tài chính để lựa hàng
Sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán trong khi kinh tế vĩ mô trong nước được giữ ổn định, các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng được ban hành kịp thời giúp ứng phó với những tác động bất lợi từ bên ngoài đang mở ra cơ hội cho nhà đầu tư bám sát thị trường và hiểu sâu về doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có danh mục đầu tư tài chính, hoặc công ty chứng khoán tự doanh.

Một số công ty chứng khoán dành hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu như SHS, VIX…
VIX - Danh mục đầu tư tài chính hơn 12.000 tỷ đồng
Cổ phiếu VIX của Công ty Chứng khoán VIX có hệ số beta cao, tức mức độ biến động giá mạnh hơn so với thị trường chung. VIX có vốn chủ sở hữu hơn 16.000 tỷ đồng, nhưng theo báo cáo tài chính năm 2024, Công ty sở hữu danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết chiếm đa số.
Trong danh mục cổ phiếu của VIX có các mã chiếm tỷ trọng lớn đáng chú ý là EIB, GEE, VSC, HAH, BSR… Hầu hết các mã này cho đến nay đều tăng giá so với cuối năm 2024. Cụ thể, mã HAH tăng từ 48.000 đồng/cổ phiếu lên 61.000 đồng/cổ phiếu, mã GEE tăng từ 34.000 đồng/cổ phiếu lên 89.000 đồng/cổ phiếu, mã VSC tăng khoảng 10%, riêng mã BSR giảm từ 22.000 đồng/cổ phiếu xuống 16.000 đồng/cổ phần. Các cổ phiếu niêm yết khác có giá trị hơn 4.100 tỷ đồng là những mã có thể linh hoạt giao dịch trong thời gian ngắn.
Đầu tháng 4/2024, khi đợt bán tháo cổ phiếu diễn ra trên toàn thị trường dưới tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ, mã VIX giảm về 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách. VIX được xem là cổ phiếu đem lại rủi ro cao, khi giá trị danh mục đầu tư lớn.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán dần ổn định trở lại và có sự phân hóa, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, VIX với các khoản đầu tư trái phiếu thanh khoản cao có thể gia tăng giá trị danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn.
SHS có hơn 3.000 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết
Với số vốn vài nghìn tỷ đồng tự doanh, công ty chứng khoán có thể tạo ra lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi quý.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) có danh mục FVTPL giá trị ghi nhận hơn 8.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2024, trong đó hơn 3.000 tỷ đồng là cổ phiếu niêm yết. Trong quý I/2025, Công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 325 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 - , theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SHS là do biến động giá một số cổ phiếu trong danh mục chưa thuận lợi.
Nhìn vào danh mục FVTPL của SHS cho thấy, bên cạnh khoản thu ổn định từ trái phiếu doanh nghiệp, thì Công ty khá linh động trong đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết khi hai phần ba danh mục cổ phiếu niêm yết nằm trong mục cổ phiếu niêm yết khác mà không được liệt kê cụ thể do không chiếm tỷ trọng lớn.
Như vậy, sự biến động của thị trường chứng khoán như giai đoạn vừa qua là cơ hội để công ty chứng khoán tự doanh kiếm lời. Đó là lý do vì sao cổ phiếu SHS sau khi giảm mạnh về 11.000 đồng/cổ phiếu đã hồi phục về mức cũ là hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư hiểu được chiến lược giao dịch, đặc thù danh mục và tin tưởng vào đội ngũ tự doanh của SHS sẽ tận dụng được những nhịp biến động giá để thu lời từ hoạt động mua - bán cổ phiếu công ty này.
Thông tin đáng chú ý tại AAS, VND, NTL
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua của Công ty Chứng khoán Smart Invest (mã AAS), Công ty công bố chiến lược dịch chuyển từ đầu tư trái phiếu sang đầu tư tự doanh cổ phiếu. Ban lãnh đạo AAS cho biết, kinh tế trong nước được thúc đẩy tăng trưởng cộng với sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán đem lại cơ hội đầu tư với giá vốn hợp lý. Trong quý I/2025, danh mục tự doanh của AAS đã xuất hiện mã chứng khoán SHB, với giá vốn quanh 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá hiện tại cao hơn 20% và vẫn còn dưới giá trị sổ sách của ngân hàng này.
Ngay cả cổ phiếu VND của Công ty Chứng khoán VNDIRECT từng bị tác động mạnh bởi các khoản rủi ro về trái phiếu hiện đã hồi phục và tăng mạnh lên 15.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn giá trị sổ sách là 12.000 đồng/cổ phiếu. Sự phục hồi của mã VND phần lớn nhờ tính rủi ro của một vài khoản mục đầu tư trái phiếu giảm bớt.
Trong khi nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu ghi nhận kết quả kém hơn VN-Index trong quý đầu năm 2025 thì một số công ty chứng khoán vẫn đạt được kết quả kinh doanh tốt nhờ tự doanh. Lý do là giá trị danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán quy mô vừa so với thanh khoản thị trường hàng ngày là nhỏ và chiến lược đầu tư đa dạng danh mục giúp công ty phân tán được rủi ro, nhanh chóng “thoát hàng” khi có tình huống xấu. Thêm vào đó, nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào giúp công ty chứng khoán có cơ hội sửa sai khi giá cổ phiếu giảm mạnh bằng cách bình quân giá xuống.
Với số vốn vài nghìn tỷ đồng tự doanh, công ty chứng khoán có thể tạo ra lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Ngay trong tháng 4 này, khi bộ ba cổ phiếu VHM, VIC, VRE tăng mạnh khiến hiệu suất các quỹ đầu tư cổ phiếu thua VN-Index vì trong danh mục không nắm giữ bộ ba đó, thì ở nhóm tự doanh công ty chứng khoán, có công ty đã “lướt” thành công cổ phiếu “họ” V.
Ngay cả công ty trong lĩnh vực bất động sản là Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã NTL) cũng dành một phần trong khoản vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư chứng khoán niêm yết. Cho đến cuối năm ngoái, NTL đã đầu tư gần 300 tỷ đồng và mới đây, hội đồng quản trị công ty này đã cho bổ sung hạn mức 150 tỷ đồng.
Tuy không phải là tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhưng các lãnh đạo NTL là cá nhân có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán và số vốn đầu tư vài trăm tỷ đồng không quá lớn để e ngại về việc đưa ra quyết định giao dịch, cũng như không quá rủi ro với một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.
Việc nắm bắt thông tin về các khoản đầu tư tự doanh của các công ty chứng khoán hay doanh nghiệp có danh mục đầu tư chứng khoán giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư hợp lý hơn khi thị trường biến động mạnh. Bài học tăng giá của cổ phiếu VCI, VDS khi công ty có khoản đầu tư tự doanh thắng lớn là rất thực tế.
Nhưng nguyên tắc lợi nhuận lớn, rủi ro cao luôn luôn đúng khi nhà đầu tư lựa chọn mục tiêu đầu tư theo cách thức này. Khi lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có danh mục đầu tư chứng khoán lớn và lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán lớn, nhà đầu tư không chỉ cần quan tâm đến thương hiệu, uy tín công ty, mà còn quan tâm đến cả người ra quyết định tự doanh, thông thường là chủ tịch hội đồng quản trị hoặc tổng giám đốc, là những người phải thực sự có kinh nghiệm đầu tư giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/soi-danh-muc-dau-tu-tai-chinh-de-lua-hang-post367820.html