Sợi dây kết nối trách nhiệm cộng đồng

Gần 20 năm ăn cơm nhà, lo việc làng, ông Đào Văn Tuấn (trong ảnh) được ví như sợi dây nối trách nhiệm cộng đồng của bà con thôn 5 Làng Bát, nay là thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên). Dù làm trưởng thôn hay bí thư chi bộ, ông đã phát huy được sức mạnh của nhân dân trong phát triển kinh tế và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Tuấn bảo, những năm 90 của thế kỷ trước, cả một vùng Làng Bát, bà con đua nhau trồng sả. Tuy nhiên, sau một thời gian, giá cả cũng như thị trường cho loại cây này thu hẹp lại, đây cũng là loại cây làm nghèo đất một cách nhanh chóng, chính quyền từ huyện đến xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên lựa chọn cây chè. Gia đình ông là hộ tiên phong tham gia thực hiện trồng thử nghiệm mô hình chè trong xã. Thấy gia đình ông trồng chè cho hiệu quả kinh tế cao, người dân học tập và làm theo. Năm 2001 - 2007, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, từ năm 2007 đến nay ông được bầu làm Bí thư Chi bộ.

Để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thôn lấy cây chè làm cây trồng chủ lực. Ông cùng các hội, đoàn thể và các cấp chính quyền vào cuộc, mở lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc chè đạt năng suất, chất lượng, rồi tuyên truyền người dân sản xuất chè theo hướng VietGAP. Từ một vài mô hình trồng chè đầu tiên đến nay toàn thôn có 30 ha chè đều được chăm sóc theo quy trình VietGAP. Nhiều hộ giàu lên nhờ chè như hộ gia đình ông Ninh Văn Tuyên, Phạm Văn Luận…

Thành công từ cây chè, tạo đà cho người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế từ những cây trồng khác. Vì vậy, ông đã cùng tập thể chi bộ tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong thôn có 9,5 ha rừng được chuyển đổi trồng bằng những giống keo lai năng suất cao. Với 9 ha đất trồng lúa, hàng năm bà con đều chú trọng đầu tư thâm canh, đưa vào gieo cấy 100% các giống lúa lai, năng suất lúa đạt 230 - 250 kg/sào.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động nhân dân đóng góp công sức và tiền của, hiến đất để làm đường bê tông. Đến nay, 100% đường liên thôn, 90% đường nội đồng đã được cứng hóa… Năm 2018, thôn được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng để làm nhà văn hóa. Qua nhiều cuộc họp bàn, phổ biến, bà con trong thôn ai cũng thông suốt, đồng tình nhất trí góp công, góp tiền xây dựng, nhưng còn thiếu quỹ đất xây dựng nhà văn hóa. Nhận thấy khó khăn của thôn, ông đã tiên phong hiến 200 m2 đảm bảo đủ quỹ đất xây dựng nhà văn hóa và khuôn viên sân thể thao theo tiêu chí mới. Đây là diện tích đất mà gia đình ông trồng chè VietGAP nhưng ông đã phá bỏ hiến đất cho thôn làm nhà văn hóa. Từ ngày có nhà văn hóa, mọi hoạt động của thôn đều được tổ chức tốt hơn.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/soi-day-ket-noi-trach-nhiem-cong-dong-129025.html