Sôi động những khóa học mùa hè khám phá công nghệ
Nhiều trường đại học tổ chức các khóa học khám phá công nghệ trong dịp hè, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông trong thời đại số.

Học sinh các trường phổ thông ở Đà Nẵng tham gia khóa học Lập trình cho Mobile Robot tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.
Học để ứng dụng
32 học sinh đến từ các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa có 4 tuần học tập sôi nổi, sáng tạo và đầy cảm hứng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Khóa học STEM “Lập trình cho Mobile Robot” do các giảng viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST) tổ chức miễn phí.
Dưới sự dẫn dắt của 2 giảng viên Lê Quốc Huy, Nguyễn Quang Như Quỳnh cùng các sinh viên trợ giảng, học sinh tham gia khóa học không chỉ được tiếp cận với những kiến thức lập trình tiên tiến mà còn trực tiếp thực hành, trải nghiệm công nghệ và giải quyết các thử thách thực tế với mobile robot.

Làm quen với lập trình tại phòng thực hành của Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến.
Những giờ học lý thuyết lồng ghép cùng các bài tập ứng dụng đã giúp học sinh phổ thông củng cố kiến thức, rèn luyện tư duy logic và làm việc nhóm - những kỹ năng quan trọng cho hành trình chinh phục lĩnh vực STEM trong tương lai.
Em Trần Xuân An, lớp 10/1, Trường THPT Thái Phiên (Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ, nhờ tham gia khóa học, em thấy mình tự tin hơn với môn Tin học, phát triển được kỹ năng viết code và làm việc nhóm. Từ chỗ đăng ký đi học chỉ vì tò mò, An dần yêu thích với các môn học thiên về kỹ thuật, công nghệ.
Từ những trải nghiệm của bản thân khi tham gia khóa học, Lê Viết Nhật Quang, lớp 10 A3, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: “Khóa học phù hợp với những học sinh bắt đầu tìm hiểu về lập trình và đam mê robot. Lượng kiến thức được truyền tải vừa đủ, không gây áp lực nhưng rất bổ ích, cung cấp cho em nhiều tài liệu quý giá trong hành trình khám phá thế giới robot và cảm biến tự động”.

Vận dụng các bài học lý thuyết để giải quyết các thử thách thực tế với mobile robot.
PGS.TS Lê Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho rằng, khóa học Lập trình cho Mobile Robot không chỉ là hoạt động ngoại khóa, mà còn là cơ hội để học sinh phổ thông được tiếp cận sớm với môi trường nghiên cứu, thực hành và sáng tạo trong không gian đại học hiện đại.
“Thông qua lớp học này, các em không chỉ được trang bị những kiến thức nền tảng về lập trình và điều khiển robot, mà quan trọng hơn là được truyền cảm hứng để theo đuổi các ngành nghề trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và bản lĩnh cho thành phố và đất nước”, ông Dũng kỳ vọng.
Phần thi “Trình diễn Robot” tại lễ bế giảng là cơ hội để các nhóm học sinh vận dụng toàn bộ kiến thức đã học nhằm điều khiển robot vượt qua các thử thách mô phỏng thực tế.
Lan tỏa tinh thần sáng tạo
Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (Liên Chiểu, Đà Nẵng) có 3 lớp học lập trình tin học miễn phí cho gần 100 học sinh và 1 lớp học STEM cho 20 học sinh tiểu học và THCS.
Em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên (Liên Chiểu, Đà Nẵng) kể: “Chúng em được hướng dẫn làm quen với mô hình, trải nghiệm điều khiển robot, hướng dẫn lắp ráp mô hình kỹ thuật, xem các bộ phim khoa học…”.
Ông Nguyễn Duy Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết, những khóa học này được thiết kế phù hợp với độ tuổi và tâm lý của học sinh nhằm khơi dậy trong các em niềm yêu thích khoa học, thích tìm tòi, khám phá những cái mới. Học sinh làm quen, sử dụng ngôn ngữ lập trình trực quan Scratch, thực hành viết code, trải nghiệm công nghệ, giúp rèn khả năng tư duy logic, sáng tạo. Với lớp STEM, học sinh chủ yếu học, làm quen về robotics và có một cuộc thi trình diễn sản phẩm khi khóa học kết thúc.

Hồi hộp theo dõi phần “Trình diễn Robot” tại lễ bế giảng Khóa học STEM Lập trình cho Mobile Robot.
Tiếp nối sân chơi sáng tạo Robotics chủ đề Sông Hàn xanh diễn ra đầu tháng 6, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng tổ chức cuộc thi Lập trình điều khiển robot tự động năm 2025 với chủ đề “Robot tự hành - An toàn giao thông” trong tháng 7 này.
14 đội thi được giảng viên Khoa Điện – Điện tử tập huấn trong 30 tiết về lý thuyết lập trình, hướng dẫn sử dụng bộ kit. Tham gia Cuộc thi, các đội có nhiệm vụ lập trình robot tự hành với khả năng nhận diện môi trường xung quanh, di chuyển theo lộ trình quy định và nhận diện tín hiệu giao thông để mô phỏng các ứng dụng thực tế của phương tiện giao thông thông minh.
Với thông điệp “Lập trình thông minh - Giao thông vững bền”, bên cạnh các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xử lý hình ảnh và điều khiển tự động, Cuộc thi còn hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho sinh viên, hưởng ứng phong trào “Giao thông an toàn” trong cộng đồng.