Sôi động thị trường lao động dịp cuối năm

Cuối năm là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi đây là dịp để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhằm thực hiện các đơn hàng lớn và bù đắp lượng lao động thiếu hụt trong năm. Năm nay do ảnh hưởng bởi 'làn sóng' cắt giảm lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không lớn. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động trong các nhóm ngành dịch vụ, thương mại và du lịch lại khá sôi động.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Minh Quang

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH may Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Minh Quang

Tăng nhu cầu tuyển dụng nhóm ngành dịch vụ, du lịch

Tham gia vào phiên giao dịch việc làm cuối năm được tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, Khách sạn Legend (thành phố Ninh Bình) cần hơn 70 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó có nhiều vị trí việc làm như: Lễ tân, chăm sóc khách hàng, nhân viên hành lý, thu ngân, nhân viên phục vụ… với mức thu nhập được thông báo công khai, hấp dẫn. Chị Vũ Thị Hồng Gấm, Phòng nhân sự, Khách sạn Legend Ninh Bình cho biết: Đây là khoảng thời gian cao điểm phục vụ khách hàng của các khách sạn 5 sao. Công suất sử dụng phòng và các dịch vụ liên quan tới tiệc liên hoan, hội họp, tổng kết khá lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh, đồng thời bổ sung vào nguồn lao động thiếu hụt trong năm, chúng tôi cần tuyển dụng thêm hơn 70 vị trí việc làm.

Để tuyển được lao động, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác truyền thông, đồng thời tham gia tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Có những bộ phận việc làm, chúng tôi yêu cầu người ứng tuyển phải có kinh nghiệm, nhưng cũng có những vị trí việc làm chúng tôi sẽ đào tạo khi tuyển được lao động. Khi làm việc tại khách sạn, người lao động sẽ có cơ chế dành riêng áp dụng theo quy định của khách sạn. Những ngày đi làm, đi trực vào ngày Tết âm lịch, nhân viên sẽ có thưởng và ngày nghỉ bù… Mặc dù chế độ khá hấp dẫn, tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi mới chỉ tuyển được khoảng 20 lao động. Tìm lao động dịp cuối năm đối với ngành nghề dịch vụ, khách sạn thực sự rất khó khăn.

Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) hiện cũng có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động. Đại diện Phòng nhân sự Công ty cho biết: Cuối năm thường lượng khách du lịch sẽ giảm. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải tuyển dụng lao động ngay từ bây giờ để có thời gian đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sẵn sàng phục vụ khách du lịch dịp trong và ngoài Tết Nguyên đán sắp tới. Đặc biệt, hiện nay Công ty cũng mở rộng thêm loại hình kinh doanh mới, đó là chợ tổng hợp. Cuối tháng 12 này, chợ tổng hợp sẽ mở cửa đón khách, vì vậy chúng tôi cần tuyển thêm lượng nhân viên khá lớn. Mặc dù đã "chạy" khá nhiều chương trình tuyển dụng, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa tuyển đủ số nhân viên theo nhu cầu.

Trong phiên giao dịch việc làm định kỳ được tổ chức vào ngày 3/12 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận trên 6 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó chủ yếu là lao động phổ thông với trên 5.800 chỉ tiêu. Tìm hiểu cơ cấu ngành nghề cho thấy, phần lớn nhu cầu tuyển dụng tập trung vào những nhóm ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, trong đó có nhiều nhà hàng, khách sạn lớn.

Ông Nguyễn Văn Thục, Phó phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Trong hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều lao động trong ngành du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng tới việc làm, thậm chí có hàng nghìn lao động bị mất việc. Trong thời gian đó, nhiều lao động đã chuyển lĩnh vực việc làm mới và có công việc khá ổn định, nên không có nhu cầu trở lại với ngành nghề cũ. Trong khi đó, hiện nay ngành du lịch cơ bản đã phục hồi. Các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này cũng không ngừng mở rộng dịch vụ nên tình trạng "khan" lao động là điều dễ hiểu.

Đảm bảo việc làm cho lao động ngành sản xuất

Trái với sự sôi động của nhóm ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, trong phiên giao dịch việc làm cuối năm, những nhóm ngành nghề sản xuất lại khá trầm lắng về nhu cầu tuyển dụng. Nếu như những phiên trước có hàng chục nghìn chỉ tiêu việc làm cho các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày da, cơ khí, điện tử… thì ở phiên cuối năm này, số lượng doanh nghiệp tham gia tuyển dụng cũng giảm đáng kể.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng cắt giảm lao động. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta thì mức độ ảnh hưởng không nhiều. Theo số liệu thống kê đến ngày 30/11 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay toàn tỉnh có 3.489 doanh nghiệp với tổng số gần 166 nghìn lao động đang làm việc. Khảo sát cho thấy, chỉ có 13 doanh nghiệp trong số đó bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và phải thực hiện cắt, giảm lao động, trong đó có 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động bị ảnh hưởng tới việc làm là trên 4.500 người, trong đó có trên 4 nghìn lao động thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân gây ra làn sóng cắt giảm lao động là bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine kéo dài đã gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất do hết nguyên liệu đầu vào; sản phẩm hoàn thiện không xuất khẩu được; nhiều đơn hàng bị giảm hoặc hủy bỏ hoàn toàn, số lượng hàng tồn kho vượt quá ngưỡng cho phép... Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm hơn 30% kế hoạch sản xuất trong năm 2022.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp như: mở rộng tìm kiếm, phát triển thị trường trong và ngoài nước; nghiên cứu, phát triển mẫu mã sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách hàng; nâng cao tay nghề của người lao động... Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của tỉnh về phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, phát triển thị trường lao động; chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động, hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động... Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã làm việc với 46 doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để đề xuất với UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Đặc biệt, qua thu thập thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, hiện nay có nhu cầu tuyển khoảng 5 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt cơ hội, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu để giới thiệu, ưu tiên tiếp nhận trên 4.500 lao động bị ảnh hưởng việc làm vào làm việc ở những vị trí phù hợp. Như vậy, về cơ bản tình hình việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh ta là khá ổn định. Trong thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để thu thập thông tin tuyển dụng, đồng thời tìm hiểu nhu cầu việc làm của người lao động. Từ đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung-cầu lao động, lên kế hoạch tuyển dụng cho các phiên giao dịch việc làm tiếp theo.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/soi-dong-thi-truong-lao-dong-dip-cuoi-nam/d20221209082316731.htm